Bức tranh xuất nhập khẩu 11 tháng năm 2020 – Nhiều chuyển biến tích cực…
Theo thống kê của Bộ Công Thương, 11 tháng năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước ước đạt 489,7 tỷ USD, tăng 3,59% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó: kim ngạch xuất khẩu ước đạt 254,93 tỷ USD, tăng 5,5%; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 234,78 tỷ USD, tăng 1,6%. Đặt trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế trong nước và thế giới, đây được xem là kết quả rất đáng khích lệ trong dòng chảy thương mại quốc gia.
“Điểm sáng”
Nổi bật trong 11 tháng qua, cả nước ghi nhận 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92% tổng kim ngạch xuất khẩu và trong số này có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 64,3%. Trong đó dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu là mặt hàng điện thoại và linh kiện với 46,9 tỷ USD, giảm 3,4% so với cùng kỳ năm trước; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 40,2 tỷ USD, tăng 24,3%; hàng dệt may đạt 26,7 tỷ USD, giảm 10,5%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 23,9 tỷ USD, tăng 44,5%; giày dép đạt 14,9 tỷ USD, giảm 9,8%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 10,9 tỷ USD, tăng 14,1%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 8,1 tỷ USD, tăng 4,1%; thủy sản đạt 7,7 tỷ USD, giảm 0,9%.
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 11 tháng, nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản ước tính đạt 138 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 54,2% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa. Nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp ước tính đạt 90,2 tỷ USD, tăng 1,5% và chiếm 35,4%. Nhóm hàng nông, lâm sản đạt 18,7 tỷ USD, giảm 0,1% và chiếm 7,3%. Nhóm hàng thủy sản đạt 7,7 tỷ USD, giảm 0,9% và chiếm 3%
Với kim ngạch đạt 69,9 tỷ USD, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm trước, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 11 tháng qua.
Ngay sau là Trung Quốc đạt 43,1 tỷ USD, tăng 16%; EU đạt 32,2 tỷ USD, giảm 2,4%. mThị trường ASEAN đạt 20,9 tỷ USD, giảm 10,6%. Hàn Quốc đạt 17,7 tỷ USD, giảm 2,7%. Nhật Bản đạt 17,3 tỷ USD, giảm 6,5%.
Ở chiều ngược lại, trong 11 tháng năm 2020 kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 234,78 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019; tập trung vào các nhóm hàng cần nhập khẩu với kim ngạch ước đạt 207,39 tỷ USD, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm 88,44% tổng kim ngạch nhập khẩu. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 11 tháng qua với kim ngạch ước đạt 73,9 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước; tiếp sau là các thị trường Hàn Quốc với 42 tỷ USD, ASEAN với 27,3 tỷ USD, Nhật Bản với 18,6 tỷ USD, EU với 13,2 tỷ USD…
Tháng 11/2020, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 600 triệu USD; tính chung 11 tháng năm 2020 xuất siêu kỷ lục 20,1 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 10,8 tỷ USD), trong đó khu vực trong nước nhập siêu 12,4 tỷ USD; khu vực đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 32,5 tỷ USD.
Cơ hội rộng mở từ các FTA
Theo ghi nhận của Bộ Công Thương, thời gian qua thông qua việc tận dụng các FTA đã có hiệu lực cũng như đang tiếp tục đàm phán, ký kết đã giúp hàng hóa Việt Nam khai thác tốt các thị trường truyền thống và phát triển thêm nhiều thị trường mới tiềm năng. Một khi cộng đồng doanh nghiệp tận dụng và khai thác hiệu quả các cơ hội từ các FTA thì đây sẽ là “đòn bẩy” thúc đẩy quá trình xuất khẩu hàng hóa. Thuận lợi này kết hợp cùng nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, kiến tạo môi trường đầu tư thông thoáng cho doanh nghiệp hoạt động sẽ tạo động lực rất lớn trong việc phát triển các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cũng như thu hút mở rộng đầu tư và xuất khẩu sản phẩm của các doanh nghiệp.
Đặc biệt ngày 15/11/2020 vừa qua ghi dấu ấn quan trọng khi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) mà Việt Nam là thành viên chính thức được ký kết trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN 37, mang lại cơ hội lớn cho Việt Nam khi quy mô thị trường của các quốc gia tham gia hiệp định chiếm hơn 32% tổng GDP toàn cầu với hơn 2,2 tỷ dân và sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới.
Theo nhận định của ông Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, đặt trong bối cảnh hiện nay Hiệp định RCEP được ký kết có ý rất lớn, góp phần mở ra những cơ hội mới cho các nền kinh tế nói chung – các doanh nghiệp nói riêng trong một sân chơi rộng lớn và cạnh tranh khốc liệt. Điều quan trọng là Hiệp định này sẽ tạo cơ hội để phát triển các chuỗi cung ứng toàn cầu mới, thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định lâu dài cho hàng hoá Việt Nam thông qua các cam kết về mở cửa thị trường (ở lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ, đầu tư) và hài hòa hóa các quy tắc xuất xứ, tăng cường các biện pháp tạo thuận lợi thương mại…
Thùy An