Bức tranh xuất khẩu dệt may 2019: Cơ hội nhiều, thách thức không ít
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), 8 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu dệt may đã đạt trên 23 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước và dự báo xuất khẩu cả năm 2018 có thể đạt 35 tỷ USD. Nối tiếp đà tăng trưởng này, năm 2019 ngành dệt may có nhiều cơ hội bứt phá, nâng tầm vị thế trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu.
Năm 2019, xuất khẩu dệt may sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt
Ưu tiên cho đổi mới công nghệ
Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết mặc dù có nhiều cơ hội song 2019 cũng là một năm đầy thách thức đối với ngành dệt may bởi đây là giai đoạn ngành này cần sự bứt phá, chuyển từ sản xuất gia công (CMT) sang mua nguyên liệu, bán thành phẩm (FOB), sản xuất theo thiết kế và thương hiệu riêng (ODM và OBM). Để tiến lên vị thế mới, dệt may Việt Nam phải đạt giá trị cao hơn trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu.
Đặc biệt, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với trình độ công nghệ tự động hóa cao cũng có tác động lớn đến ngành dệt may, buộc doanh nghiệp phải thay đổi và đầu tư mạnh mẽ hơn cho thiết bị cũng như nhân sự. Đến một lúc nào đó, phương thức sản xuất dựa trên gia công với nòng cốt nhân công giá rẻ sẽ bị mất lợi thế, các doanh nghiệp trong ngành phải cạnh tranh khốc liệt. Bài toán đối với ngành dệt may lúc này không còn là số lượng đơn hàng, giá trị đơn hàng và mức tăng trưởng mà là nỗ lực không ngừng đổi mới công nghệ, thiết bị; đẩy mạnh đầu tư vào thiết kế; đào tạo nhân sự kỹ thuật, thiết kế, đội ngũ quản lý đơn hàng, đội ngũ marketing với trình độ cao hơn…
Còn theo chuyên gia kinh tế – Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đang hồi quyết liệt sẽ là cơ hội cho ngành dệt may Việt Nam; nhất là khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa công bố danh sách gần 6.000 mặt hàng của Trung Quốc (trong đó có hàng dệt may) sẽ bị áp thuế. Đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam chen chân vào”lấp chỗ trống” khi hàng dệt may xuất khẩu của Trung Quốc bị đánh thuế.
Tuy nhiên đi kèm cơ hội là những thách thức không hề nhỏ. TS. Lê Đăng Doanh cảnh báo hàng hóa Trung Quốc có thể sẽ tìm cách tràn vào thị trường Việt Nam; hoặc đội lốt hàng Việt để xuất khẩu sang Mỹ để không phải chịu thuế. Nếu xảy ra tình trạng này, hàng Việt Nam sẽ bị “vạ lây” khi Mỹ tiến hành áp thuế trừng phạt.
Ngoài mối nguy mang tên Trung Quốc, nhiều thị trường xuất khẩu hàng dệt may chủ lực của Việt Nam cũng đang gặp sự cạnh tranh gay gắt từ Bangladesh, Campuchia, Lào, Srilanka, Myanmar…Trong bối cảnh đó, ông Doanh khuyến nghị các doanh nghiệp Việt cần chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh của mình để chiếm lĩnh được cơ hội, đứng vững trong thị trường đầy biến động.
Truy xuất nguồn gốc – “Cánh cửa” vào các thị trường lớn
Một yêu cầu quan trọng khác đối với ngành dệt may là vấn đề truy xuất nguồn gốc. Theo ông Nguyễn Viết Hồng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc CTCP Phát triển Khoa học công nghệ Vina (Vina CHG), truy xuất nguồn gốc là một trong những quy định bắt buộc của một số thị trường như Mỹ, Anh, Ấn Độ, Canada, EU … đối với hàng hóa trong nước và hàng nhập khẩu. Các sản phẩm dệt may Việt Nam nếu thực hiện tốt yêu cầu về truy xuất nguồn gốc thì việc bước chân vào các thị trường lớn, khắt khe về mặt chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật không còn là rào cản.
Đồng quan điểm với ông Hồng, Tiến sỹ Trần Văn Quyến cho biết ngày nay yêu cầu hàng đầu của người tiêu dùng chính là chứng nhận xuất xứ hàng hóa, sản phẩm có đảm bảo yếu tố bảo vệ môi trường cũng như các yếu tố liên quan đến dư lượng hóa chất. “Điều quan trọng là các doanh nghiệp dệt may cần đảm bảo tiêu chuẩn toàn cầu về nguyên liệu hữu cơ, không qua công nghệ xử lý hóa chất để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng” – ông Quyến nhấn mạnh.
Tuy nhiên “nút thắt” ở đây là hiện tỷ lệ doanh nghiệp Việt ứng dụng truy xuất nguồn gốc còn rất ít ỏi, chỉ chiếm khoảng 10%. Chính vì vậy đây cũng là một thách thức đối với các doanh nghiệp xuất khẩu ngành dệt may cũng như các lĩnh vực kinh tế khác trong thời gian tới. Hơn nữa chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đang trong giai đoạn quyết liệt, hàng Trung Quốc rất có thể tràn vào Việt Nam sau đó gắn mác Made in Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ. Trong bối cảnh đó, việc các doanh nghiệp dệt may thực hiện truy xuất nguồn gốc sẽ ngăn chặn được tối đa nguy cơ này.
Theo Kim Phương