Bộ Thông tin và Truyền thông kiến nghị đưa mốc thời gian thí điểm Mobile Money lên quý 1/2020

Tại buổi Giao ban Quản lý Nhà nước tháng 2/2020 của Bộ Thông tin&Truyền thông, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng kiến nghị Chính phủ sớm cấp phép thử nghiệm dịch vụ Mobile Money để tăng trưởng vùng phủ mau chóng đến 100% người dân; qua đó tạo đà tăng trưởng cho kinh tế Việt Nam trong năm 2020 cũng như những năm tiếp theo.

Tại buổi Giao ban, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết mới đây Thường trực Chính phủ đã đề cập đến kịch bản nền kinh tế Việt Nam có thể không đạt mục tiêu tăng trưởng do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Bất chấp khó khăn vây bủa, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn yêu cầu giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng và điều này đồng nghĩa với việc Chính phủ phải đưa ra quyết sách cũng như những giải pháp tối ưu nhất để đưa nền kinh tế vượt qua khó khăn, mạnh mẽ phát triển. “Đây cũng chính là cơ hội để nước ta thúc đẩy các quyết sách, chủ trương vẫn còn đang lưỡng lự bấy lâu nay, từ đó tạo đà tăng trưởng mới cho cả nền kinh tế. Trong đó Mobile Money sẽ tạo nên cú hích rất mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế vì sẽ thúc đẩy việc bán hàng ở vùng sâu vùng xa và thanh toán không dùng tiền mặt” – Bộ trưởng Thông tin&Truyền thông nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, dự định của Chính phủ là sẽ ra mắt dịch vụ Mobile Money dưới dạng thử nghiệm vào giữa năm 2020 song để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ, Bộ Thông tin&Truyền thông đã nêu kiến nghị đưa mốc thời gian thí điểm Mobile Money lên quý I/2020.

“Nếu cấp phép dịch vụ Mobile Money cho các nhà mạng viễn thông thì vùng phủ dịch vụ thanh toán điện tử sẽ mau chóng đến 100% người dân; qua đó thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, dịch vụ công trực tuyến, đổi mới sáng tạo; tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế. Tất cả các quốc gia cho phép Mobile Money đều tạo ra tăng trưởng kinh tế tới 0,5%” – Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.

Mobile Money được hiểu là người dùng dùng thiết bị điện thoại để chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, mua bán hàng hóa trên môi trường kĩ thuật số. Mobile Money là một phần của thanh toán điện tử, tuy nhiên giao dịch này có 2 điểm khác biệt với các giao dịch thanh toán điện tử khác là nó dùng thiết bị điện thoại di dộng và không cần có tài khoản ngân hàng để thực hiện các giao dịch mua bán.

Hiện thế giới có tổng cộng có 272 dự án Mobile Money triển khai tại 90 quốc gia, với 866 triệu tài khoản đăng ký mới, tăng 20% kể từ năm 2017. Trong đó có 62 dự án Mobile Money có hơn 1 triệu tài khoản được kích hoạt trong 90 ngày. Số giao dịch qua Mobile Money xử lý hàng ngày lên đến 1,3 tỷ USD. Với Mobile Money, người dùng sẽ dễ dàng chuyển tiền, tiết kiệm hoặc đầu tư vào các dịch vụ tài chính an toàn hơn.

Xuân An