Bộ Công thương không lường hết được sự phát triển bùng nổ của điện mặt trời

Đó là thừa nhận của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại phiên chất vấn của Quốc hội chiều ngày 6/11 liên quan đến phát triển điện mặt trời, năng lượng sạch.

Hiện cả nước 121 dự án điện mặt trời được cấp phép và 210 dự án đang chờ phê duyệt. Theo các đại biểu, điều này đồng nghĩa với việc công suất đã bị phá vỡ khi công suất hiện tại đang ở mức hơn 7.000 MW, tức gấp 9 lần ban đầu so với quy hoạch điện VII (850 MW vào năm 2020; 1.200 MW năm 2030). Ngoài ra các đại biểu cũng đặt câu hỏi về mức giá thu mua ưu đãi 9,35 cent/kWh.

Trả lời những chất vấn này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thừa nhận rằng khi lập quy hoạch điện VII vào năm 2016 đã không lường hết được sự phát triển bùng nổ của năng lượng tái tạo, trong đó chủ yếu là điện mặt trời. Thời điểm đó, công nghệ cũng như các điều kiện phát triển điện mặt trời không đủ để tạo đột biến.

Tuy nhiên theo người đứng đầu ngành Công Thương, Quyết định 11 về cơ chế giá ưu đãi cho điện mặt trời 9,35 cent/kWh trong 20 năm cho những dự án vận hành trước 30/6/2019 nhằm tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy các nhà đầu tư phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Mức giá này được đưa ra trên cơ sở phối hợp giữa thực tiễn trong nước với sự tư vấn của chuyên gia quốc tế. “Khi ban hành Quyết định 11, Việt Nam cũng đang đối mặt với nguy cơ lớn thiếu điện 2019-2020 nên lúc bấy giờ điện mặt trời được xem là nguồn năng lượng bổ sung đáng kể. Và thực tế tới ngày 30/6, khi Quyết định 11 chính thức hết hiệu lực, đã có gần 4.900 MW vận hành, góp phần lớn bổ sung vào nguồn điện năm 2019” – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Người đứng đầu ngành Công Thương cũng thừa nhận sự bùng nổ của điện mặt trời đã khiến hệ thống truyền tải điện rơi vào tình trạng quá tải. Để khắc phục bất cập này, Bộ Công Thương đã báo cáo Chính phủ xin bổ sung 15 dự án đường dây, trạm biến áp song đến nay vẫn chưa triển khai kịp. “Sự tập trung quá lớn dự án điện mặt trời ở các tỉnh có bức xạ cao như Ninh Thuận, Bình Thuận cộng với sự thiếu chủ động của Bộ Công Thương trong công tác dự báo, triển khai các biện pháp cần thiết dẫn đến tình trạng các dự án điện mặt trời vận hành nhưng không thể giải tỏa hết được công suất (chỉ mới đạt 30%- 40%). Hy vọng đến năm 2020, với nỗ lực chung và các giải pháp công nghệ, tỷ lệ giải tỏa công suất của các dự án điện mặt trời có thể lên đến 60 – 70%” – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ.

Kim Phương