Bộ Công Thương đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp đối phó với phòng vệ thương mại

Theo thống kê của Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), 9 tháng đầu năm 2019, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt với 154 vụ kiện phòng vệ thương mại từ 19 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Hàng Việt xuất khẩu sang các nước bị điều tra chống bán phá giá nhiều nhất.

Trong số này, Mỹ là nước khởi xướng điều tra nhiều nhất với 30 vụ (chiếm tỷ lệ 19%); tiếp theo sau là Thổ Nhĩ Kỳ với 21 vụ (chiếm 14%); Ấn Độ đứng thứ ba với 20 vụ (chiếm 13%) và thứ tư là EU với 14 vụ (chiếm 9%). Ở chiều ngược lại, trong 3 quý đầu năm nay, Việt Nam cũng khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại 15 vụ (8 vụ chống bán phá giá, 6 vụ việc tự vệ, 1 vụ việc chống lẩn tránh thuế tự vệ) – một con số khá khiêm tốn so với 154 vụ kiện nước ta phải đối mặt. Sở dĩ số vụ khởi xướng điều tra ít là do Việt Nam chủ trương khuyến khích tự do hóa thương mại nên chỉ áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại trong những trường hợp thật sự cần thiết.

Nhờ sự hỗ trợ doanh nghiệp hết sức tích cực từ phía các Bộ ngành nên thời gian qua Việt Nam đã kháng kiện thành công (không áp dụng biện pháp/không gia hạn áp dụng biện pháp) đối với 57/137 vụ việc đã kết thúc điều tra, chiếm tỷ lệ khoảng 42%; khiếu kiện 5 vụ ra Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO, trong đó 3 vụ đã kết thúc (với kết quả tích cực), 2 vụ đang trong quá trình xét xử.

Trong bối cảnh các nước tăng cường khởi xướng điều tra đối với hàng hóa Việt, Bộ Công Thương chủ trương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp Việt vượt qua khó khăn. Theo đó Bộ sẽ tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo, cảnh báo đối với các biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Nhà chức trách cũng sẽ tư vấn, hướng dẫn và đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc đấu tranh và khởi kiện ra cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO các biện pháp phòng vệ thương mại, các biện pháp bảo hộ bất hợp lý, có dấu hiệu vi phạm quy định của WTO. Bộ Công Thương cũng thường xuyên trao đổi, tham vấn với các cơ quan điều tra phòng vệ thương mại trên thế giới trong các vụ việc cụ thể để doanh nghiệp xuất khẩu của ta được đối xử công bằng.

Ngày 4/7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký Quyết định số 824/QĐ-TTg ban hành Đề án Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ (Đề án 824). Bộ Công Thương cũng đang tham mưu Chính phủ xây dựng nghị quyết về một số biện pháp cấp bách để tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ. Ngoài ra Bộ đã trình Chính phủ Đề án xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong việc chủ động sử dụng và ứng phó hiệu quả với các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình.

Ngọc Hạnh