Bí quyết giúp Singapore bứt tốc ngoạn mục, vươn lên trở thành trung tâm tài chính toàn cầu

Nếu như năm 1968 – thời điểm mở thị trường đồng đôla châu Á đầu tiên, Singapore là một nước thuộc Thế giới thứ Ba thì chỉ 30 năm sau, đảo quốc Sư Tử đã vươn lên trở thành Trung tâm tài chính toàn cầu. Vậy đâu là bí quyết giúp Singapore có sự bứt tốc mạnh mẽ và đầy ngoạn mục như vậy?

TS. Albert Winsemius (đeo kính bên trái) và ông Lý Quang Diệu tại Trung Quốc năm 1980. Ảnh: Business Times

Dành ưu tiên phát triển hạ tầng “mềm”

Ngay từ những ngày đầu, Chính phủ Singapore đã coi ngành dịch vụ tài chính là một trụ cột tăng trưởng của nền kinh tế chứ không đơn thuần chỉ là một phương tiện hỗ trợ sự phát triển của các ngành khác. Để làm được điều này, cố Thủ tướng Lý Quang Diệu sử dụng cách tiếp cận “nhà nước kiến tạo phát triển” (developmental state). Theo đó, nhà nước xác định các ngành then chốt có thể đóng góp vào GDP và ban hành các chính sách phù hợp hỗ trợ nó.

Ngay trong năm 1968, Singapore cho ra đời đơn vị tiền tệ châu Á (Asian Currency Unit – ACU) song song với thành lập thị trường Đôla châu Á (Asian Dollar Market – ADM); qua đó cho phép các ngân hàng và tổ chức tài chính nước ngoài tham gia vào lĩnh vực dịch vụ tài chính của Singapore. Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu còn tung ra hàng loạt biện pháp khuyến khích và ưu đãi về thuế nhằm tạo động lực thúc đẩy ADM và ACU phát triển. Chỉ trong vỏn vẹn chưa đầy 10 năm (1997), ADM đã phát triển đến mức vượt hơn 500 tỷ USD, xấp xỉ gấp ba lần quy mô thị trường ngân hàng nội địa

Khi ngành dịch vụ tài chính của Singapore ngày càng phát triển phức tạp và quốc tế hóa với sự gia tăng của các tổ chức tài chính trong và ngoài nước thì cũng chính là lúc Cơ quan tiền tệ Singapore chính thức ra đời năm 1971, đóng hai vai trò là ngân hàng trung ương và quản lý tài chính. Hai năm sau, Sở giao dịch chứng khoán Singapore (SES) cũng được thành lập và hợp nhất với Sở giao dịch tiền tệ quốc tế Singapore tạo thành Sở giao dịch Singapore (SGX) nhằm đáp ứng sự đa dạng ngày càng tăng của thị trường vốn Singapore. Ngoài ra đảo quốc Sư Tử còn lập ra một số cơ quan liên quan đến tài chính khác, đưa nước này trải qua một thời kỳ quốc tế hóa và đa dạng hóa hơn nữa trong những năm 1980 và 1990.

Một yếu tố quan trọng khác góp phần vào thành công của Singapore chính là sự linh hoạt của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu trong việc tận dụng lợi thế của các biến động tài chính toàn cầu. Thời điểm Mỹ tách đồng USD khỏi vàng năm 1971, ông Diệu đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội này và đẩy mạnh hơn nữa tham vọng đưa Singapore trở thành trung tâm ngoại hối của khu vực với nền tảng vững chắc là ADM và ACU. Trong cuốn hồi ký của mình, cố Thủ tướng Lý Quang Diệu cho biết giai đoạn 1968 – 1985, Singapore chiếm thế độc tôn trong khu vực, thu hút các cơ quan tài chính quốc tế bằng cách hủy bỏ thuế lợi tức đánh vào thu nhập lãi vay của khách gửi tiền không lưu trú. Mọi khoản tiền gửi bằng đồng đôla châu Á được miễn yêu cầu thanh toán và dự trữ pháp định. Trung tâm tài chính của Singapore đặt nền tảng trên luật lệ, với bộ máy tư pháp độc lập cùng một chính quyền ổn định, có năng lực và trong sạch, một chính quyền theo đuổi những chính sách kinh tế vĩ mô đúng đắn, ngân sách hầu như bội thu hằng năm. Nhờ vậy mà đồng đôla Singapore phát triển mạnh và ổn định, cùng với tỷ giá hối đoái hợp lý đã ngăn chặn tình trạng lạm phát từ ngoài lan vào.

Bằng những điều luật khắt khe và sự giám sát chặt chẽ, MAS đã giúp Singapore phát triển thành một trung tâm tài chính, tránh được hàng loạt vụ bê bối tài chính trong nhiều thập niên trên thế giới. Và để cạnh tranh ngang ngửa với các ngân hàng quốc tế, MAS khuyến khích “Big Four” (bốn ngân hàng địa phương lớn nhất) mua và sáp nhập với những ngân hàng địa phương nhỏ để trở nên lớn mạnh hơn. “Big Four” được Moody’s, xếp vào hàng những ngân hàng được đầu tư mạnh và tốt nhất trên thế giới.

Tuy nhiên trong giai đoạn này trung tâm tài chính của Hong Kong vẫn được đánh giá cao hơn so với trung tâm tài chính của Singapore. Ông Lý Quang Diệu lắng nghe nhưng không can thiệp vào bởi ông tin rằng Singapore cần thêm thời gian để khẳng định vị thế cũng như uy tín của mình trên thị trường tài chính khu vực. “Họ quên rằng lá cờ Anh và Ngân hàng Anh hậu thuẫn cho Hong Kong còn Singapore hầu như “đơn thương độc mã” nên không thể dễ dàng gượng dậy từ cùng một thất bại đầy kịch tính. Singapore trước hết phải tự thiết lập danh tiếng của bản thân” – ông viết trong hồi ký.

Đầu tư mạnh cho hạ tầng “cứng”

Nhằm đáp ứng nhu cầu không gian của hàng nghìn tổ chức tài chính quy tụ về, trong nhiều thập niên qua song song với phát triển hạ tầng “mềm”, Singapore cũng dành ưu tiên đầu tư mạnh cho hạ tầng “cứng”. Cuối những năm 1970, đề án xây dựng khu vực vịnh Marina rộng 360 ha ra đời để thay thế vai trò đã quá tải của Khu Thương mại Trung tâm (CBD) hiện hữu. Cơ quan Tái phát triển Đô thị (URA), đặt tầm nhìn về Vịnh Marina là “một nơi phát triển 24/7, thịnh vượng và tràn đầy năng lượng, nơi mọi người sống, làm việc và vui chơi”. Khu vực này ngay lập tức được khai hoang, cải tạo qua 7 giai đoạn, kéo dài đến năm 1993 thì cơ bản hoàn thành, tạo lập diện mạo của Vịnh Marina ngày nay với hàng loạt cao ốc văn phòng của các tổ chức tài chính quốc tế.

Đến những năm 1990, các khu thương mại mới, trung tâm bán lẻ, không gian hội nghị, khách sạn và một trung tâm nghệ thuật lớn mới bắt đầu mọc lên tại Marina Centre. Sự ra đời của Marina Bay được xem là vô cùng kịp thời, đặt trong bối cảnh CBD đã không còn nhiều dư địa tăng trưởng. Nhờ có khu Marina, Singapore kịp thời đáp ứng được sự thay đổi trong ngành tài chính toàn cầu vào cuối những năm 1990.

Đến năm 2014, Singapore vươn lên trở thành trung tâm ngoại hối lớn thứ tư trên thế giới với năng lực cấp vốn bằng USD rất cao. Ngoài hàng trăm tập đoàn đa quốc gia sử dụng Singapore làm trụ sở khu vực. Ngoài ra nơi đây còn là bệ phóng của khoảng 4.000 công ty Trung Quốc khi thâm nhập thị trường Đông Nam Á.

Vào những năm 90, Singapore thực sự trở thành một trong những trung tâm tài chính tầm cỡ thế giới với thị trường ngoại hối đứng thứ tư, chỉ sau London, New York và Tokyo. Nhưng đến đầu năm 1997, nhận thấy MAS bị trì trệ, ông Lý Quang Diệu đã vận động đưa ông Lý Hiển Long làm Chủ tịch MAS từ 1998. Ngay khi tham gia, ông Long tiến hành từng bước để đẩy mạnh ngành quản lý tài sản và chỉnh sửa các điều luật quốc tế hóa đồng đôla Singapore, để đẩy mạnh mức tăng trưởng thị trường vốn. MAS khuyến khích SES (Sở Giao dịch Chứng khoán) và SIMEX (thị trường mua bán kỳ hạn) sáp nhập, thả nổi mức hoa hồng và quyền tiếp cận các sở giao dịch này.

Song song đó MAS cũng tự do hóa việc thâm nhập vào khu vực ngân hàng nội địa bằng cách cho phép các ngân hàng 100% vốn nước ngoài mở thêm chi nhánh và các ATM. Nó tháo bỏ các hạn chế quyền sở hữu của nước ngoài về các cổ phần ngân hàng nội địa, trong khi yêu cầu các ngân hàng thành lập các ủy ban trong hội đồng quản trị, rập khuôn những cách tổ chức tương tự ở nhiều ngân hàng Mỹ. “Chúng ta phải cố gắng hết sức để tạo ra sự khác biệt cho chính mình, như cung cấp chính trị và kinh tế ổn định, pháp quyền, cơ sở hạ tầng hiệu quả và lực lượng chuyên gia có tay nghề cao. Đây là những điểm đặc biệt, có lợi cho các hoạt động như quản lý tài sản. Chúng ta cần tìm ra những cách mới để tiếp thị chúng và mang lại hiệu quả kinh doanh” – ông Lý Hiển Long nói vào tháng 10/2002, khi đang là Phó Thủ tướng Singapore kiêm Chủ tịch MAS.

Phương thức tiếp cận có hệ thống

Theo hãng tư vấn Viettonkin Consulting, có 3 yếu tố then chốt giúp Singapore trở thành một trung tâm tài chính: Thứ nhất là chính sách, với quy định và sự giám sát chặt chẽ đã mang lại niềm tin cho nhà đầu tư, qua đó giúp Singapore ổn định tài chính, ngay cả trong khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008; thứ hai, Singapore có một lượng lớn các chuyên gia tài chính và để đảm bảo nguồn lao động có kỹ năng, Viện Ngân hàng và Tài chính Singapore (IBF), Lực lượng Lao động Singapore (WSG) đã tham gia đào tạo cho các chuyên gia những bộ kỹ năng cần thiết giúp họ phát triển trong ngành; thứ ba là cơ sở hạ tầng kinh doanh, dù chi phí (tiền lương, thuê nhà ở) tăng đều đặn song giá thuê văn phòng tại Singapore vẫn thấp hơn so với các trung tâm tài chính của các đối thủ hàng đầu như London, New York, Hong Kong, Tokyo.

Về cơ sở hạ tầng, Singapore có một hệ thống giao thông công cộng hiệu quả và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin tiên tiến. Họ đứng hàng đầu thế giới về cơ sở hạ tầng giao thông, cũng là một trung tâm hàng không nổi tiếng và trung tâm cảng sầm uất.

Đảo quốc Sư Tử phải mất 30 năm để thiết lập uy tín là một trung tâm tài chính quốc tế được quản lý một cách đúng đắn. Ngày nay, vị thế trung tâm tài chính mà cố thủ tướng Lý Quang Diệu tạo lập vẫn liên tục được củng cố. Tính đến tháng 9/2021, Chỉ số Trung tâm Tài chính Toàn cầu (Global Financial Centres Index) xếp Singapore là trung tâm tài chính ảnh hưởng lớn thứ tư thế giới, chỉ sau New York, London, Hong Kong. So với lần xếp hạng liền trước vào tháng 3/2021, thứ hạng của Singapre tiếp tục tăng lên một bậc.

Nhìn lại toàn bộ quá trình này, Trường chính sách công Lý Quang Diệu – Đại học Quốc gia Singapore đúc kết rằng sự phát triển của Singapore với tư cách là một trung tâm tài chính toàn cầu được thực hiện theo cách tiếp cận có hệ thống, với việc chính phủ đang thực hiện các bước chính sách tích cực nhằm thiết lập ngành dịch vụ tài chính ở đảo quốc.

Việt Trung