Bị phạt “thẻ đỏ”, thủy sản Việt Nam đứng trước nguy cơ mất thị trường EU

Đây là cảnh báo được các chuyên gia đưa ra tại buổi lễ công bố Báo cáo “Đánh giá tác động kinh tế từ phân tích thương mại của việc không tuân thủ quy định chống khai thác IUU: Trường hợp Việt Nam”. Báo cáo do Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP)  và các chuyên gia của Đại học Nha Trang, Đại học Kinh Doanh Copenhagen (Đan Mạch) hợp tác thực hiện; dưới sự giám sát của Ngân hàng Thế giới (World Bank) và được tài trợ bởi hai quỹ tín thác do Ngân hàng Thế giới quản lý (Chương trình toàn cầu về thủy sản; Chương trình vì nền kinh tế xanh)

Báo cáo với trên 60 trang, bao gồm 5 phần với các nội dung chính: Đánh giá về thực trạng sản xuất, tiêu thụ thủy sản Việt Nam; Đề cập các quy định về chống khai thác IUU của các thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản, các nước khác và Việt Nam; Phân tích dòng chảy thương mại thủy sản trong giai đoạn 2007-2019 để đánh giá tác động kinh tế của thẻ vàng IUU đối với Việt Nam, trên cơ sở đó đánh giá định lượng về tổn thất kinh tế, tác động ngắn hạn và trung hạn trong trường hợp bị phạt thẻ đỏ IUU.

Xuất khẩu sang EU giảm mạnh vì thẻ vàng

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Tổng rhư ký VASEP cho biết những năm gần đây ngành thủy sản đã có bước phát triển vượt bậc, đưa Việt Nam vươn lên trở thành nước xuất khẩu thủy sản đứng thứ 3 trên thế giới với kim ngạch xuất khẩu dao động từ 8,5 đến gần 9 tỷ USD/năm, trong đó thủy sản nuôi trồng đóng góp từ 60 – 65%, thủy sản khai thác chiếm 35 – 40% giá trị.  Hàng thủy sản Việt Nam đã tiếp cận trên 160 thị trường và đứng vững ở nhiều thị trường lớn và khắt khe như Mỹ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc, có tầm ảnh hưởng lớn trên thị trường thế giới.

Với định hướng nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, Việt Nam dành ưu tiên hàng đầu cho phát triển ngành thủy sản bền vững. Tuy nhiên từ tháng 10/2017, EC đã cảnh báo thẻ vàng IUU (Luật Chống đánh bắt bất hợp pháp) đối với Việt Nam do không hợp tác và không đủ nỗ lực chống khai thác thủy sản IUU. Kết quả do ảnh hưởng của thẻ vàng IUU, xuất khẩu thủy sản sang EU đã giảm đáng kể trong những năm qua.

So sánh kết quả xuất khẩu 2017-2019, có thể thấy sau 2 năm chịu tác động từ thẻ vàng IUU, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU đã giảm 12%, tương đương 183,5 triệu USD. Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng thủy sản giảm trên 10% sau 2 năm, tương đương giảm 43 triệu USD, trong đó bạch tuộc giảm mạnh nhất 37%, nhuyễn thể hai mảnh vỏ giảm 11%, cá ngừ giảm gần 2%, cua giảm 11%. Xuất khẩu các sản phẩm nuôi trồng sang EU cũng giảm 13% từ năm 2017 đến năm 2019. Xu hướng giảm này tiếp tục kéo dài hơn nữa vào năm 2020, đặc biệt do bị tác động kép bởi dịch Covid-19, thẻ vàng IUU và Brexit, xuất khẩu thủy sản sang thị trường này giảm 5,7% so với năm 2019, chỉ đạt 959 triệu USD.

Mặc dù vẫn là thị trường lớn có tính định hướng và chi phối đối với các thị trường khác; đồng thời là đối tác quan trọng với ngành thủy sản Việt Nam song kể từ năm 2019, EU đã tụt từ vị trí thứ 2 xuống vị trí thứ 4 trong các thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam (xếp sau Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc). Tuy nhiên đây mới chỉ là một phần của tác động tiêu cực có thể thấy qua số liệu xuất khẩu, điều đáng quan ngại là sẽ còn rất nhiều hệ lụy khác nếu thủy sản Việt Nam bị EC phạt thẻ đỏ. Trong đó hệ lụy nặng nề nhất là ngành thủy sản Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất thị trường EU. Điều này đòi hỏi toàn ngành phải có các giải pháp và hành động quyết liệt hơn nữa nhằm tuân thủ chặt chẽ hơn nữa các quy định chống khai thác IUU, từng bước tháo gỡ thẻ vàng

Cần hướng đi bền vững cho ngành

Theo TS. Nguyễn Tiến Thông – ĐH Kinh doanh Copenhagen, Đan Mạch – Chuyên gia tư vấn của VASEP, kết quả nghiên cứu từ Báo cáo “Đánh giá tác động kinh tế từ phân tích thương mại của việc không tuân thủ quy định chống khai thác IUU: Trường hợp Việt Nam” cho thấy trong khi các sản phẩm thủy sản khai thác chịu tác động trực tiếp từ các quy định IUU và cảnh báo thẻ vàng IUU thì các sản phẩm thủy sản nuôi trồng chỉ bị ảnh hưởng gián tiếp.

Trường hợp bị EC phạt thẻ đỏ, tác động trước mắt và trực tiếp nhất đối với thủy sản Việt Nam sẽ là lệnh cấm thương mại của EC nếu Việt Nam không đáp ứng các quy định về chống khai thác thủy sản IUU.  Điều này đồng nghĩa với nếu bị gắn thẻ đỏ và mất thị trường EU, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ tổn thất khoảng 480 triệu USD/năm; trong đó tổn thất từ hải sản khai thác (bao gồm cá ngừ, cá kiếm, nhuyễn thể, mực, bạch tuộc và các loài hải sản khác) ước tính khoảng 387 triệu USD/năm.

Còn theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc – Phó Chủ tịch VASEP, Chủ tịch Ủy ban Hải sản VASEP, thiệt hại do tác động gián tiếp đến nuôi trồng thủy sản có nghĩa là có thể có các chi phí mà các nhà sản xuất thủy sản phải trả khi họ xuất khẩu sang các thị trường EU. Các tác động gián tiếp đối với thủy sản nuôi trồng có nguyên do từ việc giảm sút uy tín, gánh nặng kiểm soát hải quan ngày càng tăng và việc không tận dụng được thuế quan ưu đãi của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA). Trường hợp chịu các tác động gián tiếp, ngành thủy sản nuôi trồng có thể tổn thất khoảng 93 triệu USD. Về trung hạn, nếu lệnh cấm kéo dài trong 2-3 năm có thể gây gián đoạn xuất khẩu thủy sản Việt Nam, trong đó khai thác thủy sản sẽ bị thu hẹp ít nhất 30% về quy mô sản lượng.

Bên cạnh tác động của thẻ vàng, ngành thủy sản cũng đang hứng chịu những thách thức mới do đại dịch Covid-19 gây ra. Trong bối cảnh đó, nếu có giải pháp hợp lý, hiệu quả sớm gỡ được thẻ vàng IUU, tận dụng được các ưu đãi thuế quan và thay đổi thể chế từ EVFTA, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang EU hoàn toàn có cơ hội phục hồi trở lại cũng như đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu từ 1,2-1,4 tỷ USD trong những năm tới. Đây cũng chính là bệ phóng vững chắc đưa ngành thủy sản hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu từ 7-9%/năm và đạt kim ngạch xuất khẩu từ 16-18 tỷ USD vào năm 2030. “Xu thế hiện nay là người tiêu dùng thế giới, nhất là người tiêu dùng tại các thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản ngày càng quan tâm đến các sản phẩm có uy tín và bền vững. Chính vì vậy chống khai thác IUU trước hết là vì sự phát triển bền vững của ngành thủy sản Việt Nam, cũng như đáp ứng các xu hướng và quy định của thị trường để thuỷ sản Việt Nam duy trì uy tín và chỗ đứng trên thị trường” – Phó Chủ tịch VASEP nhấn mạnh.

Hà Anh