Bất động sản công nghiệp nở rộ đón sóng đầu tư
Nhằm đón đầu làn sóng FDI vào Việt Nam, các địa phương đua nhau mở rộng khu công nghiệp với diện tích hàng nghìn ha. Nhiều dự án trọng điểm còn rục rịch đi vào hoạt động bất chấp đợt tái bùng phát dịch lần thứ tư đang diễn biến hết sức phức tạp tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Hiện cả nước có 370 khu công nghiệp với tổng diện tích 115.200 ha, trong đó có: 328 khu đang hoạt động ngoài các khu kinh tế; 24 khu công nghiệp nằm trong các khu kinh tế ven biển và 8 khu công nghiệp nằm trong các khu kinh tế cửa khẩu. Các dự án này đã tạo ra khoảng 3,6 triệu việc làm cho người lao động.
Theo Báo cáo thị trường bất động sản công nghiệp 6 tháng đầu năm vừa được Savills Việt Nam công bố, với hàng chục dự án khu công nghiệp mới được phê duyệt tại 13 tỉnh, thành phố trong nửa đầu năm nay đã góp phần đưa nguồn cung đất công nghiệp tăng 9,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó Bắc Ninh dẫn đầu với 5 khu công nghiệp sắp triển khai; nổi bật là khu công nghiệp Quế Võ III (diện tích 208,54 ha) có tổng vốn đầu tư 120,87 triệu USD và khu công nghiệp Gia Bình II (diện tích 250 ha) có tổng vốn đầu tư 172,17 triệu USD.
Tại khu vực miền Trung, tỉnh Quảng Trị cũng sẽ đón chào dự án khu công nghiệp Triệu Phú có tổng diện tích gần 529 ha; khu công nghiệp Quảng Trị (diện tích 481,2 ha) có tổng vốn đầu tư 90,17 triệu USD, do liên doanh Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP), Công ty CP Amata City Biên Hòa và Sumitomo Corporation đầu tư phát triển.
Tại tỉnh Vĩnh Phúc, các dự án khu công nghiệp như Sông Lô, Tam Dương 1 và Thái Hoà – Liên Sơn – Liên Hoà cũng sẽ sớm được giới thiệu, hứa hẹn cung cấp tới 500 ha diện tích công nghiệp đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư trong những năm tới. Cùng với đó là rất nhiều dự án triển vọng dự kiến sẽ được triển khai tại các tỉnh Hải Dương, Nam Định, Nghệ An, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế và Vĩnh Long.
Không kém cạnh miền Bắc và miền Trung, thị trường khu công nghiệp phía Nam cũng vào mùa sôi động. Theo Báo cáo thị trường bất động sản công nghiệp quý II/2021 của Colliers Việt Nam, UBND tỉnh Đồng Nai đã công bố kế hoạch xây dựng ba khu công nghiệp mới (Khu công nghiệp Long Đức 3, Khu công nghiệp Bàu Cạn – Tân Hiệp tại huyện Long Thành; Khu công nghiệp Xuân Quế – Sông Nhạn tại huyện Cẩm Mỹ) với tổng diện tích 6.475 ha nhằm giải quyết vấn đề quá tải của các dự án đang hoạt động.
Về phía tỉnh Long An công bố trong năm nay sẽ có 4 cụm công nghiệp mới là Vĩnh Khang, Tân Mỹ, Tứ Phương và Hiệp Hòa, đóng góp thêm vào diện tích đất công nghiệp sẵn có của tỉnh gần 200 ha phục vụ cho công cuộc đẩy mạnh thu hút đầu tư giai đoạn 2021-2030
Cùng với các thủ phủ công nghiệp phía Nam (Tp.HCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai) đã vang danh trong suốt hàng thập kỷ qua, trong vòng 1 năm trở lại đây các tỉnh vệ tinh như Vĩnh Long, Tây Ninh cũng vào cuộc đua phát triển khu công nghiệp và được kỳ vọng sẽ sớm trở thành những vùng công nghiệp trù phú trong tương lai gần
Hay như tỉnh Bình Phước cũng hăng hái nhập cuộc đua để không bỏ lỡ cơ hội đón đầu làn sóng FDI đổ vào Việt Nam. Theo đó địa phương này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch 13 khu công nghiệp với tổng diện tích 4.686 ha. Trong đó có 9 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy trên 95%; 2 khu công nghiệp Minh Hưng Sikico và Becamex Bình Phước dù mới đi vào hoạt động cũng gây ấn tượng với các nhà đầu tư trong cũng như ngoài nước.
Theo ghi nhận của Tổng Giám đốc Colliers Việt Nam – ông David Jackson, trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành tác động tiêu cực đến nền kinh tế nói chung – thị trường địa ốc nói riêng thì bất động sản công nghiệp tiếp tục là phân khúc “sáng” nhất so với các loại hình tài sản khác. “Nhu cầu về đất công nghiệp tại Việt Nam tăng mạnh trước làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc cùng một loạt Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) được ký kết. Đáp ứng nhu cầu này, một loạt các khu công nghiệp mới đã được quy hoạch hoặc xây dựng dọc theo chiều dài đất nước và đây là nguyên nhân cho sự bùng nổ của thị trường bất động sản công nghiệp trong thời gian qua bất chấp diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid – 19” – ông David Jackson nhấn mạnh
Tuy nhiên CEO Colliers Việt Nam cho rằng đi kèm cơ hội là không ít thách thức đặt ra cho Việt Nam trong những tháng còn lại của năm khi dịch bệnh lây lan nhanh, xâm nhập vào các khu công nghiệp gây bùng phát trên diện rộng. Ngoài ra thu hút vốn FDI vào bất động sản công nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều điểm nghẽn: cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ; chi phí logistics cao; một số vấn đề về cơ chế và quy định pháp luật để thu hút các nhà đầu tư lớn… Nếu sớm tháo gỡ được các nút thắt này sẽ tạo động lực thúc đẩy bất động sản công nghiệp trong nước phát triển với tốc độ nhanh, mạnh và bền vững hơn.
Nhã Anh