Bất động sản chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong các ngành kinh tế

6 tháng đầu năm 2023, thị trường bất động sản vẫn ngập trong khó khăn khi số doanh nghiệp thành lập mới và vốn đăng ký tiếp tục giảm mạnh, chỉ còn chưa tới 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể thống kê của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho thấy nửa đầu năm nay số doanh nghiệp bất động gia nhập thị trường giảm gần 59% so cùng kỳ năm 2022; tương tự vốn đăng ký thành lập mới cũng giảm gần 54%. Trong khi đó tỷ lệ doanh nghiệp bất động sản rút khỏi thị trường lên tới hơn 40%, tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái và đạt mức cao nhất trong số 17 lĩnh vực, ngành nghề.

Báo cáo của Hiệp hội môi giới bất động sản Việt Nam công bố hồi đầu tháng 6 cũng đưa ra nhận định bất động sản là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong các ngành kinh tế; doanh nghiệp bất động sản đang ngắc ngoải bên bờ vực thẳm.

Còn theo đại diện Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản vẫn đang ngập trong khó khăn và áp lực. Nguồn cung sụt giảm, các doanh nghiệp không bán được hàng khiến lượng hàng tồn kho tăng mạnh, dòng tiền không lưu thông được. Bức tranh đầy “gam màu xám” của doanh nghiệp bất động sản hiện nay hoàn toàn đối lập với bức tranh “sáng” nửa đầu năm 2021 khi số doanh nghiệp gia nhập thị trường tăng gần 45% so với năm 2020

Tuy nhiên xét trên bình diện chung, thị trường bất động sản vẫn đang bật mở một số tín hiệu tích cực khi trong tháng 6 vừa qua có tới 21.000 doanh nghiệp thành lập mới và tái gia nhập thị trường. Lũy kế 6 đầu năm 2023, có tổng cộng hơn 113.000 doanh nghiệp thành lập mới, quay trở lại thị trường, đạt mức bình 19.000 doanh nghiệp/tháng. Ở chiều ngược lại, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là khoảng 100.000 doanh nghiệp, đạt mức bình 16.600 doanh nghiệp/tháng, giảm 6% so với bình quân 5 tháng đầu năm và giảm 13% so với bình quân 4 tháng đầu năm.

Đặt trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn đang đối mặt với rất nhiều thách thức thì Cục Quản lý đăng ký kinh doanh đánh giá những con số trên đây là tín hiệu hết sức khả quan. Dù vậy thị trường vẫn còn ngổn ngang mối lo khi trong 6 tháng đầu năm số vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp chỉ đạt 9,3 tỷ đồng, thấp nhất cùng kỳ 5 năm trở lại đây. Tương tự vốn đăng ký tăng thêm cũng giảm hơn 48% so với với cùng kỳ 2022.

Bối cảnh sức mua yếu, lượng đơn hàng giảm mạnh trong khi tồn kho tăng, giá nguyên liệu tăng cao…khiến các doanh nghiệp không mấy mặn mà với chuyện vay vốn mới phục vụ tái sản xuất. “Để tháo gỡ khó khăn về thị trường cho các doanh nghiệp đòi hỏi các Bộ, ban ngành phải tăng cường hơn nữa các chính sách hỗ trợ, xúc tiến thương mại, giúp doanh nghiệp tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Chỉ khi có thêm những giải pháp thúc đẩy đầu ra, doanh nghiệp mới có nguồn lực trả nợ và hấp thụ vốn mới” – Cục Quản lý đăng ký kinh doanh khuyến nghị.

Bảo Ngọc