Bắt đầu từ quý 2/2020, tác động của dịch Covid-19 đến ngành dệt may sẽ rõ rệt hơn

Dịch Covid-19 kéo dài ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế Việt Nam, trong đó có ngành dệt may. Tuy nhiên theo các chuyên gia kinh tế, phải sang quý 2/2020, những tác động này mới rõ rệt hơn…

 

Nỗi lo thiếu nguồn cung nguyên liệu

Nhiều doanh nghiệp dệt may trong nước cho biết hiện tại sản xuất của họ vẫn đang diễn ra ổn định song từ quý 2/2020, nếu nguồn cung nguyên liệu không được cải thiện thì nhiều nhà máy khó duy trì hoạt động.

Theo chia sẻ của đại diện Tổng công ty 28, dịch Covid-19 bùng phát, việc gián đoạn sản xuất từ Trung Quốc đã đẩy nguồn cung nguyên liệu của doanh nghiệp dệt may trong nước nói chung, Tổng công ty 28 nói riêng rơi vào tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng.

Cùng chung cảnh ngộ là Công ty May Sông Hồng – một trong những nhà máy sản xuất hàng may mặc và chăn ga gối đệm có thâm niên 20 năm tại Việt Nam. Đại diện doanh nghiệp này cho biết hiện tại hoạt động sản xuất vẫn đang diễn ra bình thường vì May Sông Hồng có đầy đủ hàng tồn kho để sản xuất trong quý 1/2020. Tuy nhiên, do nguồn nguyên liệu chủ yếu nhập từ Trung Quốc, đại diện Công ty cho rằng có khả năng thiếu hụt hàng tồn kho trong quý 2/2020.

Với May Sài Gòn 3, tình hình cũng không mấy khả quan. Ông Phạm Xuân Hồng – Chủ tịch HĐQT của May Sài Gòn 3 cho biết hiện doanh nghiệp này chỉ đủ sản xuất đến tháng 3, các tháng tới chưa biết xoay sở như thế nào.

Theo các doanh nghiệp, trong ngắn hạn, ngành dệt may tiếp tục thiếu nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc do dịch Covid-19 bùng phát. Nhiều nhà máy ở Trung Quốc đã gia tăng thời gian đóng cửa kể từ Tết Nguyên đán, khiến việc sản xuất vải bị trì hoãn ảnh hưởng đến việc xuất khẩu sang Việt Nam. Các nhà cung cấp từ Trung Quốc sẽ quay trở lại sản xuất từ ngày 20/2/2020 nhưng hiện vẫn chưa rõ công suất sản xuất khi các nhà máy hoạt động trở lại.

Ứng phó với tình trạng này, May Sài Gòn 3 và May Sông Hồng đang thương lượng với các đối tác để tìm nguồn cung thay thế; tuy nhiên khả năng chuyển sang nhập nguyên liệu từ nước khác ngoài Trung Quốc là rất thấp.

Theo các chuyên gia phân tích của Công ty chứng khoán SSI, việc gián đoạn sản xuất từ Trung Quốc về lâu dài có thể ảnh hưởng đến toàn bộ chuỗi cung ứng của ngành dệt may Việt Nam. Trước mắt, các công ty may mặc trong nước phải giao trễ đơn hàng cho khách và điều này ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả kinh doanh của họ.

Trước tình hình này, các chuyên gia phân tích SSI nhận định các doanh nghiệp dệt may có thể phải điều chỉnh kế hoạch năm 2020, đơn cử như May Sông Hồng. Theo phân tích của Công ty Chứng khoán SSI, trước đây May Sông Hồng đã lên kế hoạch cho năm 2020 về doanh thu FOB đạt 165 triệu USD (tăng 10% và doanh thu mảng chăn ga gối đệm tăng 150%. Công ty có thể cần đánh giá tác động của dịch virus Covid-19 và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho phù hợp. Ngược lại, các kế hoạch kinh doanh khác như ra mắt bộ sưu tập chăn ga gối đệm mới vào tháng 3, giao đơn hàng đầu tiên cho Walmart vào tháng 4, và việc đưa nhà máy Sông Hồng 10 đi vào hoạt động trong quý 4/2020 dự kiến vẫn diễn ra theo kế hoạch. Trong năm 2021, May Sông Hồng dự kiến tăng giá trị đơn hàng của Walmart lên 10 triệu USD, so với giá trị đơn hàng trong năm 2020 là 2 triệu USD. Hoạt động của nhà máy Sông Hồng 10 cũng sẽ gia tăng công suất của May Sông Hồng lên 35% trong năm 2021. Với những yếu tố hỗ trợ này, May Sông Hồng vẫn còn dư địa để tăng trưởng doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế trong năm 2021.

Chưa thể hưởng lợi trong ngắn hạn từ Hiệp định EVFTA

Bên cạnh điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, nhiều doanh nghiệp dệt may đang tràn trề hy vọng khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã được Nghị viện Châu Âu thông qua ngày 12/2 sau 8 năm đàm phán. Đây sẽ là cơ hội lớn để doanh nghiệp dệt may trong nước mở rộng thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên theo phân tích của SSI, nhiều khả năng các doanh nghiệp may mặc trong nước chưa thể hưởng lợi từ EVFTA trong ngắn hạn và cần nhiều thay đổi để có thể tận dụng hiệp định thương mại quan trọng này.

Lý do Hiệp định EVFTA có hiệu lực ngay lập tức sau khi Quốc hội Việt Nam phê chuẩn (có thể là vào tháng 5) và Hội đồng châu Âu phê duyệt, nhưng Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) có thể cần thêm sự phê chuẩn từ 27 quốc gia thành viên EU, vì vậy nhiều khả năng mất thêm 2 năm nữa.

Hiện Việt Nam được hưởng lợi từ chương trình Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) của EU dành cho các nước đang phát triển, với mức thuế suất ưu đãi là 9% đối với một số dòng thuế hạn chế. Sau khi EVFTA có hiệu lực, mức thuế suất theo Nguyên tắc đối xử tối huệ quốc (MFN) sẽ tự động thay thế mức thuế suất theo GSP. Điều đó có nghĩa là trong 2 năm đầu tiên triển khai EVFTA, hầu hết các sản phẩm may mặc trong nước sẽ không được hưởng lợi từ EVFTA, bởi mức thuế suất theo MFN cho các sản phẩm này thực tế cao hơn mức thuế suất theo GSP là 9% như hiện nay.

Cụ thể, đối với hầu hết các sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu sang EU, thuế xuất khẩu được loại bỏ dần khỏi biểu thuế MFN từ 12% xuống 0% trong 3-7 năm sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực. Những sản phẩm được giảm thuế ngay lập tức lại không phải là hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang EU như sợi.

Ngoài ra theo quy tắc xuất xứ trong Hiệp định EVFTA (ROO), các loại vải được sử dụng để sản xuất sản phẩm phải có xuất xứ từ Việt Nam hoặc EU, các công đoạn cắt may phải được thực hiện tại Việt Nam. Chính vì vậy, để hưởng lợi thuế suất ưu đãi từ FTA này, việc đáp ứng quy tắc xuất xứ là cấp bách và các doanh nghiệp dệt may phải nỗ lực để tăng tỷ lệ sử dụng vải trong nước trong đơn đặt hàng FOB sang EU. Bên cạnh đó, có một số điểm linh hoạt mà doanh nghiệp có thể chú ý như hàng may mặc được sản xuất tại Việt Nam từ các loại vải được sản xuất tại Hàn Quốc mà EU có FTA cũng sẽ đủ điều kiện để được miễn thuế.

Minh Phượng