Bất chấp việc Mỹ mở rộng lệnh cấm vận nhằm vào Huawei, Trung Quốc vẫn khó “xuống tay” với người khổng lồ công nghệ Apple
Từ trước đến nay Apple luôn giữ mối quan hệ tốt với Trung Quốc thông qua các đối tác sản xuất, giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn lao động và đóng góp lớn cho ngân sách nước này. Đó cũng chính là lý do khiến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới khó có những hành động trả đũa chống lại hãng công nghệ khổng lồ Mỹ sau khi chính quyền Washington mở rộng lệnh cấm vận nhằm vào Huawei.
Chính quyền Mỹ hôm 15/5 đã yêu cầu các công ty bán dẫn sử dụng công nghệ của nước này phải xin giấy phép trước khi hợp tác với Tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc, khép lỗ hổng cho phép Huawei lách lệnh cấm sử dụng công nghệ Mỹ trong ngành bán dẫn và phần mềm. Theo các chuyên gia kinh tế, quy định mới này sẽ giáng một đòn mạnh vào TSMC (Đài Loan) – nhà cung cấp chip chính của Huawei và nó có thể ảnh hưởng lớn trực tiếp đến Huawei.
Sẵn sàng “ăn miếng trả miếng”, Trung Quốc đang xem xét xây dựng danh sách “các thực thể nước ngoài không đáng tin cậy” nhằm đáp trả việc Mỹ ngăn Huawei tiếp cận sản phẩm của TSMC. Theo đó Apple, Qualcomm và Cisco Systems – ba tập đoàn dựa vào thị trường Trung Quốc đều có thể bị đưa vào danh sách này. Bên cạnh đó còn có khả năng Trung Quốc hoãn hợp đồng mua máy bay với Boeing.
Apple là một trong số ít các công ty công nghệ của Hoa Kỳ đã tìm thấy thành công ở Trung Quốc trong vài năm qua, với doanh số từ khu vực Trung Quốc đại lục chiếm khoảng 16% doanh số trong quý 3/2020. Nhưng Trung Quốc không chỉ quan trọng về mặt doanh thu. Đây cũng là nơi mà hầu hết iPhone được lắp ráp bởi đối tác sản xuất Foxconn và quốc gia này là một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng của Apple. Foxconn sử dụng hàng trăm ngàn lao động ở Trung Quốc.
Trong khi di chuyển sản xuất ra bên ngoài Trung Quốc không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, các công ty công nghệ Mỹ bao gồm Apple đang nhìn vào các quốc gia khác như Ấn Độ và Việt Nam. Trong năm 2019, Apple được cho là đang muốn bắt đầu thử nghiệm sản xuất AirPods tại Việt Nam và yêu cầu các nhà cung cấp xem xét chuyển 15% đến 30% sản lượng từ Trung Quốc sang Đông Nam Á. Trung Quốc có thể không muốn mạo hiểm đẩy nhanh động thái này.
Ông Neil Shah – Giám đốc nghiên cứu tại Counterpoint Research cho biết Trung Quốc đã phải đối mặt với những cơn gió ngược khi các công ty như Apple tìm cách đa dạng hóa cơ sở sản xuất của họ. Vì vậy đây có thể là một vấn đề gấp đôi rủi ro nếu Trung Quốc nhắm vào Apple ở Trung Quốc và gián tiếp là Foxconn vì động thái này sẽ đẩy nhanh việc sản xuất ra bên ngoài Trung Quốc. “Có thể thấy Apple đang có những đóng góp vô cùng quan trọng cho nền kinh tế Trung Quốc và đó là lý do chính quyền Bắc Kinh sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi nhắm vào hãng công nghệ khổng lồ này” – ông Neil Shah nhận định.
Đồng quan điểm, ông Paul Triolo – Giám đốc Chính sách công nghệ toàn cầu tại Công ty tư vấn Eurasia Group khẳng định: “Bao lâu nay Apple đã xây dựng mối quan hệ tốt với các nhà chức trách Trung Quốc và chúng tôi không nghĩ Bắc Kinh sẽ nhắm vào hãng công nghệ khổng lồ Mỹ. Có thể sẽ có một số nỗ lực tẩy chay với các thương hiệu Mỹ nhưng không phải với các công ty có hàm lượng công nghệ cao và có mối quan hệ rất tốt với chính quyền địa phương như Apple”
Kim Phương