Bất chấp lãi suất giảm mạnh, nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp vẫn yếu

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), những ngày qua các ngân hàng tiếp tục giảm thêm lãi vay để kích cầu tín dụng; tuy nhiên hiện tại nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp vẫn còn ở mức yếu.

Từ ngày 13/5/2020, một loạt lãi suất như lãi suất tiền gửi, lãi suất OMO, lãi suất cho vay, lãi suất tái chiết khấu…đã được điều chỉnh giảm tới 0,5 điểm phần trăm so với trước đó. Theo đó NHNN thực hiện hạ trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng giảm từ 5,25%/năm xuống còn 4,75%/năm; còn trần lãi suất tiền gửi từ không kỳ hạn đến dưới 1 tháng giảm từ 0,5% xuống 0,2%/năm. Trước động thái này, các ngân hàng thương mại cũng đồng loạt tiến hành điều chỉnh giảm lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng với mức giảm lớn nhất là 0,5% so với biểu lãi suất niêm yết trước đó. Thậm chí, một số ngân hàng còn hạ lãi suất thấp hơn mức trần.

Ông Ngô Đăng Khoa – Giám đốc toàn quốc Khối kinh doanh tiền tệ và thị trường vốn HSBC Việt Nam cho biết đây là lần giảm lãi suất thứ hai trong năm nay. Điều này tiếp tục thể hiện sự linh hoạt của Nhà nước trong điều hành chính sách tiền tệ, phù hợp với bối cảnh nền kinh tế đang chịu những ảnh hưởng đáng kể từ dịch Covid-19. “Quyết định hạ lãi suất điều hành lần này sẽ tạo môi trường chính sách tiền tệ nới lỏng hơn giúp các tổ chức tín dụng có cơ sở để hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân chịu ảnh hưởng của dịch bệnh tiếp cận nguồn vốn rẻ thông qua hạ lãi suất cho vay” – ông Khoa nhấn mạnh.

Còn theo Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam – ông Nguyễn Thế Minh, việc hạ lãi suất điều hành lần này của NHNN có tác động tích cực nhiều hơn đối với hệ thống ngân hàng so với đợt giảm lãi suất điều hành vào tháng 3 vừa qua. Tuy nhiên đối với các doanh nghiệp, việc giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn thêm 0,5% có thể sẽ không thực sự thúc đẩy nhu cầu tín dụng gia tăng từ phía doanh nghiệp bởi tình hình dịch bệnh khiến khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp đang ở mức thấp. Hơn nữa, do khó khăn vì dịch bệnh, nên doanh nghiệp cũng không đủ điều kiện vay vốn mới. “Nếu nhu cầu đầu tư sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn yếu thì dù lãi suất có thấp, doanh nghiệp cũng không vay và các ngân hàng cũng sẽ rất cẩn trọng trong việc giải ngân vì lo ngại nợ xấu. Do đó chúng tôi nhận định năm 2020 này tăng trưởng tín dụng khó đạt mục tiêu 14% như NHNN đề ra mà chỉ có thể tăng trưởng khoảng 9%-10% nếu thực hiện tốt hoạt động đầu tư công” – ông Minh nói.

Theo thống kê của NHNN, tính đến ngày 28/4/2020, tăng trưởng tín dụng chỉ còn 1,32% (so với mức tăng trưởng 4,5% cùng kỳ năm 2019) cho thấy nhu cầu tín dụng của các doanh nghiệp đã có sự sụt giảm mạnh. Đây cũng cũng là mức tăng trưởng tín dụng thấp nhất trong vòng 6 năm qua, trong khi dư nợ nhiều ngành như thương mại – dịch vụ – du lịch, tiêu dùng… đều giảm mạnh.

Các chuyên gia cho rằng bên cạnh giảm lãi suất thì vấn đề quan trọng hiện nay chính là khả năng tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp, bởi nếu doanh nghiệp không tiếp cận được tín dụng thì dù lãi vay giảm cũng không có ý nghĩa gì. Chính vì vậy bên cạnh việc giảm sâu lãi suất hơn nữa, các ngân hàng cũng cần đẩy nhanh tái cơ cấu các khoản nợ, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp dễ tiếp cận vốn tín dụng, qua đó giúp cho tăng trưởng tín dụng đạt mục tiêu đề ra. Theo tính toán, để GDP đạt mức tăng trưởng 5% trong năm nay thì tăng trưởng tín dụng phải ở mức 10% trở lên.

Bình Minh