Bất chấp doanh số sụt giảm, Nhựa Long Thành vẫn vững tham vọng đưa thương hiệu ra quốc tế

Từ một doanh nghiệp nhỏ, với nỗ lực phấn đấu không ngừng, Công ty Nhựa Long Thành đã “vươn vai” lớn mạnh trở thành một trong những doanh nghiệp nhựa hàng đầu tại Việt Nam. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, Công ty của đại gia Phạm Trần Nhật Minh (Minh Nhựa) đang phải đối mặt với không ít khó khăn khi cả doanh thu lẫn lợi nhuận đều sụt giảm nghiêm trọng.

Phạm Trần Nhật Minh (Minh Nhựa) – Giám đốc công ty Nhựa Long Thành

Ngày nay thương hiệu Nhựa Long Thành đã không còn là cái tên xa lạ với bất kỳ người Việt nào. Cũng như hàng loạt những doanh nghiệp khác, Nhựa Long Thành đi lên từ mốc khởi điểm đầy khó khăn. Những năm đầu của thập niên 90, ông Phạm Văn Mười (bố của Minh Nhựa) đã thành lập cơ sở Nhựa Long Thành với số vốn ban đầu chỉ vỏn vẹn 2 tỷ đồng. Đến năm 1996, ông chuyển đổi cơ cấu hoạt động thành Công ty Nhựa Long Thành và gần hai thập kỷ, doanh nghiệp nhựa này không ngừng “ăn nên làm ra”. Từ số vốn 2 tỷ đồng ban đầu, đến nay quy mô Nhựa Long Thành đã tăng gấp hàng trăm lần.

Sản phẩm chính của Nhựa Long Thành là nhựa công nghiệp kỹ thuật cao như pallet (dùng để di chuyển hàng hoá, đóng hàng xuất khẩu), sóng nhựa (đựng thực phẩm, thủy hải sản, rau củ quả), két nhựa (két bia, nước ngọt), thùng rác công nghiệp, nhựa gia dụng, bao bì dược phẩm, bao bì mỹ phẩm, bao bì dầu nhờn…Sở dĩ doanh nghiệp nhựa này phất lên nhanh chóng là nhờ việc trở thành đối tác sản xuất nhựa cho hàng loạt đại gia bia và nước giải khát trên thị trường như: Heineken, Bia Sài Gòn, Tiger, Coca-Cola, Pepsi, Biere Larue, Zorok, Number 1, Tribeco,…. Ngoài ra Công ty cũng đã phát triển hệ thống chi nhánh khắp cả nước, đặc biệt là ở những thành phố lớn như Tp.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ.

Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, thời kỳ hoàng kim của Nhựa Long Thành đang dần khép lại. Theo số liệu của Công ty nghiên cứu thị trường và nghiên cứu ngành tại Việt Nam (VIRAC), vào năm 2016, doanh thu của Nhựa Long Thành đạt hơn 1000 tỷ đồng. Tuy nhiên trong 3 năm gần đây, doanh thu của họ đều sụt giảm. Cụ thể năm 2017 doanh thu của Nhựa Long Thành đạt 969 tỷ đồng (lợi nhuận 85 tỷ đồng), năm 2018 đạt 854 tỷ đồng (lợi nhuận 66 tỷ đồng).

Đáng nói, Nhựa Long Thành đang phải chịu áp lực cạnh tranh gay gắt trên thị trường từ nhiều công ty nhựa khác, nổi bật là Duy Tân và Song Long. Nếu so với quy mô của các đại gia ngành nhựa dân dụng này thì Nhựa Long Thành còn kém xa. Năm 2018, nhựa Duy Tân đạt doanh thu đạt 4.077 tỷ đồng, lợi nhuận 69 tỷ đồng, vốn ban đầu của công ty là 400 tỷ đồng. Còn nhựa Song Long, đối thủ cạnh tranh sản phẩm chính của Nhựa Long Thành đều có mức tăng trưởng dương các năm qua; riêng năm 2018 lợi nhuận của Song Long tăng 10% so với năm ngoái.

Với tốc độ tăng trưởng ổn định, cả Duy Tân và Song Long đang ngày càng áp đảo thị phần của Nhựa Long Thành. Dù vậy, Nhựa Long Thành vẫn luôn bền bỉ khát vọng trấn giữ ngôi vương của ngành nhựa Việt. Năm 2018, đại diện của Công ty cũng đã sang Mỹ mở chi nhánh và có tham vọng đưa thương hiệu ra quốc tế.

Với uy tín thương hiệu được tạo dựng qua hàng chục năm, Công ty Nhựa Long Thành vinh dự trở thành 1 trong 600 doanh nghiệp đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao 2019. Giải thưởng này kỳ vọng sẽ giúp Công ty Nhựa Long Thành có thêm nền tảng vững chắc để tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, phục vụ tốt nhất nhu cầu người dùng; đồng thời không ngừng mở rộng hệ thống phân phối, nâng cao giá trị thương hiệu và khẳng định vị thế dẫn đầu trong ngành nhựa công nghiệp.

Ngọc Hòa