Bàn giải pháp cứu ngành mía đường trong nước và sinh kế của nông dân trồng mía

Nhằm tìm ra những giải pháp hữu hiệu góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển ngành mía đường theo hướng bền vững và hiệu quả, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Công Thương đã phối hợp tổ chức thành công Hội thảo “Giải pháp cho ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới”

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Lộc – quyền Tổng Thư ký Hiệp hội mía đường Việt Nam cho biết nhiều năm qua ngành mía đường Việt Nam đã bị thiệt hại nặng nề do gian lận thương mại đường nhập lậu, với đường nhập lậu chính là loại đường phá giá xuất phát từ Thái Lan. Theo đó dưới tác động của đường giá rẻ tràn vào thị trường nội địa, giá đường trong nước đã giảm xuống mức rất thấp, dẫn đến giá mía cũng sụt giảm trầm trọng.

Trước tình hình trên, cuối năm 2019 Hiệp hội đã có đề xuất với Chính phủ và chấp nhận hội nhập, chấp nhận Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Như vậy sau nhiều năm duy trì chính sách bảo hộ đối với ngành mía đường, kể từ ngày 1/1/2020 Việt Nam đã bắt đầu thực hiện cam kết theo Hiệp định ATIGA đối với ngành đường bằng cách không giới hạn lượng đường nhập khẩu từ các nước ASEAN và áp dụng mức thuế nhập khẩu 5%.

 Sau khi mở cửa thị trường, tiềm năng của ngành mía đường Việt Nam cũng đã được “chắp cánh”; thể hiện qua những con số ấn tượng về năng suất, sản lượng, trình độ sản xuất…Đây là minh chứng cho thấy mía đường Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh ngang ngửa với các nước trong khu vực, thậm chí trong niên vụ 2019-2020, năng suất ngành mía đường trong nước còn vượt cả Thái Lan.

Tuy nhiên cũng từ sau khi mở toang cửa, thị trường đường trong nước đã trở thành điểm đến của hàng triệu tấn đường nhập khẩu từ ASEAN cũng như đường lậu. “Thống kê cho thấy từ đầu năm đến nay đã có đến 1,3 triệu tấn đường từ Thái Lan nhập về Việt Nam, giá nhập còn thấp hơn cả giá thành sản xuất tại Thái Lan. Trong khi đó niên vụ 2019-2020, sản lượng đường của Việt Nam chỉ vào khoảng 800.000 tấn, sụt giảm mạnh so với con số 1,2 triệu tấn của niên vụ 2018-2019. Đáng báo động, giá bán đường của Thái Lan sang Việt Nam thời gian qua chỉ ở mức 350 USD/tấn khiến đường nội thật sự teo tóp, đẩy người nông dân trồng mía vào cảnh nợ nần” – ông Lộc cảnh báo

Quyền Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết mỗi năm Chính phủ Thái Lan hỗ trợ cho ngành đường ít nhất 1,3 tỷ USD. Trong đó khoảng trên 775 triệu USD được sử dụng cho khoản trợ cấp xuất khẩu gián tiếp thông qua hệ thống bình ổn giá đường, tức là tăng trợ giá để bù đắp mỗi khi giá đường trên thế giới sụt giảm. Khoảng 500 đến 525 triệu USD được dùng để thanh toán trực tiếp cho người trồng mía. “Đối với Việt Nam, để cứu ngành mía đường trong nước và sinh kế của nông dân trồng mía, chúng ta hoàn toàn có thể quyết định áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp với luật pháp quốc tế và các quy tắc giao thương của WTO đối với ngành đường. Đây là việc làm chính đáng nhằm bảo vệ ngành sản xuất, giúp tăng thu ngân sách và bảo vệ việc làm cho người trồng mía. Điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh các nước khác trong khối ASEAN đang áp dụng các biện pháp không chính thống” – ông Lộc nhấn mạnh.

Còn theo ông Lê Triệu Dũng – Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương), trên cơ sở hồ sơ yêu cầu của các doanh nghiệp đại diện cho ngành mía đường, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 2466/QĐ-BCT tháng 9/2020 về việc tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan. Trước đó vào tháng 6/2020, Bộ cũng có Quyết định số 1715/QĐ-BCT về việc tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm đường lỏng chiết xuất từ tinh bột ngô (HFCS) có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc. “Cục Phòng vệ thương mại sẽ tiến hành điều tra theo đúng quy định của Luật Quản lý ngoại thương và các văn bản pháp luật liên quan nhằm thiết lập một môi trường cạnh tranh công bằng trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của ngành sản xuất trong nước trước các hành vi phản cạnh tranh từ bên ngoài” – ông Dũng khẳng định

Thuỳ Nhiên