Bắc Kinh chính thức vào cuộc hỗ trợ cho ngành bất động sản

Với mục tiêu giảm thiểu tác động của khủng hoảng nợ tới người dân, tạo điều kiện cho người dân có nơi “an cư lạc nghiệp” trong giai đoạn khó khăn, Bộ Nhà ở, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã phát đi tuyên bố sẽ có chính sách hỗ trợ tài chính cho ngành bất động sản

Các tòa nhà chung cư dở dang của tập đoàn Evergrande ở Bắc Kinh (Trung Quốc). Ảnh: Bloomberg

Theo đó Bắc Kinh sẽ cung cấp các khoản vay đặc biệt thông qua các ngân hàng chính sách để hỗ trợ vốn cho các chủ đầu tư tiếp tục triển khai dự án, đảm bảo người dân được giao nhà và có nơi “an cư lạc nghiệp”. Động thái bơm vốn cho ngành bất động sản vốn đang phải vật lộn với khủng hoảng nợ và doanh số bán nhà sụt giảm cũng đồng thời cho thấy chính quyền Bắc Kinh đã chính thức vào cuộc hỗ trợ các ngành kinh tế suy yếu

Mới đây vào giữa tháng 7/2022, ngành bất động sản tiếp tục hứng chịu “cú đấm thép” khi người mua nhà tại hơn 230 dự án ở 86 thành phố trên khắp nước này đã đồng loạt từ chối đóng tiếp tiền nhà (lên tới 2.000 tỷ nhân dân tệ) cho những dự án hình thành trong tương lai để phản đối tình trạng “đóng băng” của ngành xây dựng.

Tình trạng này khiến cuộc khủng hoảng chuyển trọng tâm từ các công ty bất động sản sang các ngân hàng lớn bởi bao lâu nay các nhà băng Trung Quốc đều dựa vào các khoản thế chấp địa ốc như một nguồn thu an toàn đặt trong bối cảnh chính sách đóng cửa kéo dài kìm hãm sự tăng trưởng của nền kinh tế. Trong quý II/2022, tốc độ tăng GDP  của Trung Quốc về mức chậm nhất kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát ở Vũ Hán. Các nhà kinh tế dự đoán năm 2022 tăng trưởng GDP của nước này chỉ đạt 4% hoặc thấp hơn.

Lo ngại sự trì trệ của thị trường bất động sản sẽ tạo áp lực lên tăng trưởng kinh tế, các chuyên gia kinh tế đã kêu gọi chính quyền Bắc Kinh sớm có chính sách trợ lực kịp thời. Để đối phó với tình trạng suy thoái kinh tế đang lan rộng, mới đây Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã thực hiện cắt giảm lãi suất dẫu bước đi này khó có thể hạ nhiệt những hỗn độn trên thị trường.

Ngoài ra nhằm xoa dịu tình trạng khủng hoảng tiền mặt, đầu năm nay Trung Quốc đã cho phép các ngân hàng và các nhà quản lý nợ xấu được nới lỏng các hạn chế đối với một số khoản vay. Tháng 4/2022, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cũng đã tổ chức một cuộc họp với khoảng 20 nhà băng lớn và các công ty quản lý tài sản để giúp giải quyết khủng hoảng tại hàng chục công ty bất động sản lớn trên khắp đất nước, trong đó có Evergrande.

Hiện bất động sản chiếm khoảng 78% tài sản của các hộ gia đình ở Trung Quốc, gấp đôi so với Mỹ. Năm ngoái khi Evergrande rơi vào khủng hoảng, các chuyên gia cho rằng ngành tài chính sẽ ít bị ảnh hưởng bởi người mua nhà thường thanh toán bằng tiền mặt. Tuy nhiên trên thực tế không ít khách hàng đã mua nhà bằng các khoản vay thế chấp. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho biết đến cuối năm 2021, các khoản thế chấp chưa thanh toán vào khoảng 38.300 tỷ nhân dân tệ. Công ty chứng khoán GF dự phóng khoản thế chấp lên tới 2.000 tỷ nhân dân tệ có thể bị ảnh hưởng bởi xu hướng từ chối đóng tiếp tiền nhà.

Quế Vân