ASEAN triển khai 8 ưu tiên hợp tác năng lượng năm 2020

c

Tham dự Hội nghị có Trưởng đoàn của các nước ASEAN, đại diện Ban thư ký ASEAN, Trung tâm Năng lượng ASEAN, Cơ quan Năng lượng quốc tế IEA, Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế IRENA và các nước đối tác (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand, Ấn Độ, Liên bang Nga, Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu).

Phát biểu tại Hội nghị, ông Hoàng Tiến Dũng cho biết, tính đến năm 2019, cường độ năng lượng khu vực ASEAN đã giảm 21,4% so với năm 2005, vượt mục tiêu ban đầu là đạt 20% vào năm 2020; Kết nối đường ống dẫn khí đạt chiều dài là 4.000km qua 6 quốc gia: Myanmar, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore và Việt Nam, và hình thành 8 trung tâm khí hóa lỏng LNG với tổng công suất là 37,5 triệu tấn/năm; Tăng thêm các dự án kết nối lưới điện giúp tăng công suất trao đổi điện năng lên 10.800MW vào năm 2020 và sau năm 2020 lên hơn 16.000MW.

“Dự án thí điểm trao đổi đa phương giữa Lào, Thái Lan, Malaysia, Singapore đã triển khai thành công giai đoạn 1 với sự kết nối thực hiện giao dịch mua bán điện giữa Lào và Malaysia thông qua lưới điện của Thái Lan từ tháng 1/2018…”, ông Dũng cho biết thêm.

Tại Hội nghị, các quan chức cấp cao đã xem xét kết quả thực hiện Kế hoạch hành động ASEAN về năng lượng (APAEC) 2016-2025 giai đoạn 1: 2016-2020; Hợp tác với Đối tác đối thoại và các Tổ chức quốc tế; cập nhật các vấn đề ưu tiên năm 2020 trong lĩnh vực Năng lượng ASEAN và các nội dung chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng ASEAN lần thứ 38 và Hội nghị liên quan sẽ diễn ra từ ngày 2-6/11 tới.

Hội nghị đã thống nhất các nội dung chính hợp tác năng lượng ASEAN năm 2020 gồm tiếp tục triển khai các nội dung công việc trong khuôn khổ hợp tác ASEAN trong các mạng lưới và cơ quan chuyên ngành; đồng thời, phối hợp với các nước thành viên, các tổ chức quốc tế triển khai 8 ưu tiên hợp tác năng lượng ASEAN năm 2020, bao gồm:

Thứ nhất, hoàn thành việc xây dựng Kế hoạch hành động hợp tác năng lượng ASEAN (APAEC) giai đoạn 2: 2021-2025, đóng vai trò là kế hoạch chi tiết cho sự chuyển đổi dài hạn của cảnh quan năng lượng ASEAN hướng tới một tương lai bền vững.

Thứ hai, hoàn thành Triển vọng năng lượng ASEAN lần thứ 6 để bổ sung giai đoạn 2 của APAEC.

Thứ ba, xác định mục tiêu năng lượng tái tạo (RE) về năng lực năng lượng cho ASEAN vào năm 2025 sẽ được đưa vào Lộ trình RE RE 2025 của ASEAN.

Thứ tư, xác định mục tiêu và phát triển kế hoạch để đạt được mục tiêu giảm cường độ năng lượng vào năm 2025 trong Giai đoạn 2 của APAEC.

Thứ năm, hoàn thành kế hoạch HAPUA và APGCC để theo dõi các khuyến nghị nhằm đáp ứng các yêu cầu tối thiểu để thúc đẩy hội nhập khu vực và thương mại điện đa phương trong ASEAN, với sự hỗ trợ của ACE và AERN.

Thứ sáu, hoàn thành Giai đoạn 1 và 2 của Nghiên cứu Quy hoạch Kết nối ASEAN (AIMS) III để đề xuất cơ sở hạ tầng truyền tải cần thiết để hỗ trợ thương mại điện đa phương và tích hợp năng lượng tái tạo vào lưới điện ASEAN.

Thứ bảy, đạt được sự đồng thuận cấp cao từ các quốc gia thành viên ASEAN về nghiên cứu cơ chế đổi mới nhằm huy động vốn từ khu vực tư nhân cho cơ sở hạ tầng truyền tải năng lượng trong ASEAN.

Cuối cùng, xây dựng các khuyến nghị về vai trò của Mạng lưới điều tiết năng lượng ASEAN (AERN), bao gồm cả vai trò trung và dài hạn của AERN, liên quan đến thương mại điện đa phương trong ASEAN.

Bên cạnh Hội nghị trực tuyến quan chức cấp cao năng lượng ASEAN lần thứ 38, trong thời gian từ ngày 25-27/8 cũng diễn ra các Hội nghị liên quan bao gồm: Đối thoại lần thứ 11 giữa SOME và Cơ quan năng lượng Quốc tế (IEA), Đối thoại lần thứ 2 giữa SOME và Trung tâm Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA), Đối thoại lần thứ 11 SOME – Nga, Hội nghị SOME+3 lần thứ 19, Đối thoại lần thứ 21 SOME – METI, Đối thoại lần thứ 11 SOME – Mỹ, Hội nghị Thượng đỉnh Tiểu ban Hợp tác Năng lượng Đông Á lần thứ 25 (EAS ECTF).

Hội nghị SOME ASEAN 38 lần này nằm trong loạt các hội nghị quan chức cao cấp và kết quả sẽ được báo cáo lên cấp Bộ trưởng tại Hội nghị các Bộ trưởng Năng lượng ASEAN lần thứ 38 dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 11 tới.

Tùng Lâm