ASEAN-ABAC: Thay vì hành động đơn phương, ASEAN phải gắn kết nhau tạo nên khối sức mạnh tổng thể

Tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEMS) đặc biệt được tổ chức theo hình thức trực tuyến sáng ngày 4/6/2020, các Bộ trưởng đã cùng thảo luận về Tuyên bố chung của Hội đồng Tư vấn kinh doanh (ASEAN-ABAC) xoay quanh các biện pháp ứng phó và phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid – 19.

Tuyên bố chung của ASEAN-BAC trình bày trước các Bộ trưởng kinh tế ASEAN đã được tập hợp từ các kiến nghị của 20 Hội đồng kinh doanh và các Hiệp hội ngành nghề chủ yếu của ASEAN cũng như toàn thế giới trong nỗ lực ứng phó với đại dịch Covid-19 và khởi động lại nền kinh tế khu vực.

Trong phần trình bày của mình, ASEAN-BAC nhắc lại lời kêu gọi thành lập Ủy ban cấp cao đặc biệt để cùng nhau xây dựng và phát triển ASEAN an toàn hơn, phục hồi nhanh hơn sau những thiệt hại nặng nề cả về kinh tế lẫn con người do đại dịch Covid-19. Bản thân ASEAN-BAC cũng đã hợp tác chặt chẽ với các đối tác để biên soạn một kế hoạch chi tiết về các bước cấp thiết phục hồi kinh tế.

Tiến sĩ Đoàn Duy Khương – Chủ tịch ASEAN-BAC năm 2020 cho biết cộng đồng kinh doanh ASEAN hoàn toàn ủng hộ các Chính phủ ASEAN trong nỗ lực bảo vệ quốc gia của mình khỏi tác động của dịch bệnh cũng như tái khởi động lại nền kinh tế. “Chúng tôi kêu gọi thành lập Uỷ ban cấp cao đặc biệt để đảm bảo sự kịp thời và hợp tác chặt chẽ trong mọi nỗ lực hành động ở một thế giới nơi mà cả hai cấu trúc cung và cầu của nền kinh tế đang dần bị phá vỡ, trong khi các biện pháp bảo hộ vẫn đang tiếp tục gia tăng” – Tiến sĩ Đoàn Duy Khương nhấn mạnh.

Còn theo Tiến sĩ Munir Majid – Chủ tịch Viện nghiên cứu CARI của Malaysia và là thành viên hội đồng ASEAN- BAC, khả năng hội nhập tốt và chủ động thích ứng của ASEAN đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình phục hồi kinh tế của khu vực. Thay vì hành động đơn phương, ASEAN phải gắn kết với nhau tạo nên khối sức mạnh tổng thể để có thể vượt qua mọi khó khăn thách thức.

Trong bài trình bày trước AEMS, ASEAN-BAC cũng nêu rõ cả những thách thức trước mắt và quá trình phục hồi tiếp theo. Trong bối cảnh đó, ASEAN-BAC đã xác định 6 biện pháp ưu tiên ngắn hạn để gửi một thông điệp mạnh mẽ rằng vào thời điểm đầy thử thách này, ASEAN đang gắn kết và chủ động thích ứng hiệu quả với các yếu tố tác động bên ngoài cũng như ngược lại.

Quá trình này đảm bảo sự tham gia đầy đủ của khu vực tư nhân trong việc bảo vệ an toàn cuộc sống và tái khởi động nền kinh tế.

Cũng cần nhấn mạnh rằng ASEAN nên quyết định hợp tác ngay bây giờ để đảm bảo cả khu vực có thể cùng tiếp cận vắc – xin Covid-19 khi nó được sản xuất thành công, thay vì mỗi quốc gia tiếp cận vắc – xin này một cách đơn lẻ.

Thái Công