AOSD – Môi trường mua sắm trực tuyến an toàn, lành mạnh cho người tiêu dùng ASEAN

Ngày 8/8, Ngày mua sắm trực tuyến ASEAN (AOSD) đã chính thức khởi động tại website chính thức dành riêng cho sự kiện này

http://aseanonlinesaleday.com. AOSD do Việt Nam trong vai trò Chủ tịch năm ASEAN 2020 đề xuất, thu hút sự tham gia của gần 150 doanh nghiệp thương mại điện tử ASEAN, góp phần mang đến những chương trình khuyến mãi đặc biệt cho người tiêu dùng trong khu vực.

Bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành, thương mại điện tử nhanh chóng trở thành phương thức mua sắm được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn. Nắm bắt cơ hội này, các Chính phủ ở ASEAN cũng nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm thông qua hình thức trực tuyến trong thời gian diễn ra đại dịch. Do đó, đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp trên toàn ASEAN quảng bá sản phẩm/dịch vụ nội địa của mình tới các khách hàng sống ở các nền kinh tế khác nhau trong khu vực, từ đó gia tăng doanh số tiêu thụ thông qua thương mại điện tử. Ngoài ra đây cũng là cơ hội tốt để người tiêu dùng trong khối ASEAN nói chung – Việt Nam nói riêng được trải nghiệm mua hàng trực tuyến trên một thị trường rộng mở, an toàn và đảm bảo chất lượng dưới sự giám sát chính thức của các Chính phủ; đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong khối thích ứng và thúc đẩy chuyển đổi số thông qua hệ sinh thái đang phát triển sẵn, tạo dựng uy tín cho doanh nghiệp, đặc biệt là với các doanh nghiệp đang nỗ lực vượt qua dịch Covid-19.

Việt Nam có tổng cộng 19 doanh nghiệp tham gia Ngày mua sắm trực tuyến ASEAN 2020. Cụ thể đối với nhóm mua sắm nội địa – ASEAN Pavilion, Việt Nam có các sàn TMĐT uy tín tham gia như Lazada, Shopee, Fado, Tiki, Thegioididong, Accesstrade,…; các doanh nghiệp hạ tầng như Viettel Post, VNPay, ZaloPay…và một số doanh nghiệp lớn khác như Bibica, Bitis, Sunhouse….Đối với nhóm mua sắm xuyên biên giới, Việt Nam có sàn thương mại điện tử Fado tham gia cung cấp dịch vụ mua hàng xuyên biên giới cho các nước trong khối. Trong AOSD, người tiêu dùng tại các nước thành viên thuộc ASEAN đều có thể tìm kiếm và đặt mua các sản phẩm đặc trưng của Việt Nam như trà, cà phê, lụa… và được miễn phí vận chuyển toàn Đông Nam Á.

AOSD là sự kiện mua sắm trực tuyến đầu tiên được tiến hành tập thể trên quy mô toàn khu vực, trong đó Ủy ban Điều phối ASEAN về Thương mại điện tử (ACCEC) giữ vai trò điều phối viên của chương trình này. AOSD sẽ tạo điều kiện cho các nước thành viên thúc đẩy thương mại xuyên biên giới thông qua thương mại điện tử, mang đến môi trường mua sắm trực tuyến an toàn, lành mạnh, qua đó cải thiện niềm tin của người tiêu dùng đối với thương mại điện tử, đem lại những lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng khi tham gia mua sắm. Ngoài ra, AOSD còn là bước đi quan trọng để khối ASEAN thể hiện sự đoàn kết, định vị và phục hồi kinh tế sau Covid-19.

Theo dự báo của các chuyên gia, quy mô hoạt động thương mại điện tử của ASEAN sẽ tăng gấp 3 lần, từ 100 tỷ USD lên 300 tỷ USD vào năm 2025. Đặt trong bối cảnh dịch Covid – 19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, thương mại điện tử nhanh chóng trở thành kênh tiêu thụ hàng hóa hữu hiệu khi người tiêu dùng và doanh nghiệp có xu hướng chuyển sang hình thức trực tuyến. Và việc khởi động AOSD nhằm thúc đẩy hơn nữa các xu hướng này; đồng thời khuyến khích người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp tích cực tương tác, thực hiện các giao dịch thương mại trên các nền tảng hoặc thị trường điện tử uy tín, an toàn trên toàn khu vực.

Ngoài ra AOSD cũng sẽ hỗ trợ nỗ lực của các quốc gia thành viên ASEAN nhằm tạo thuận lợi cho thương mại và thương mại điện tử, tăng cường hội nhập kỹ thuật số và quan trọng hơn là khơi dậy niềm tin vào doanh nghiệp ASEAN, bao gồm các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa vẫn luôn kiên cường bám trụ kinh doanh giữa thời Covid-19.

Mai Quỳnh