Angela Merkel: Sẽ không ổn nếu châu Âu tách khỏi Trung Quốc

Trong bài phỏng vấn với Reuters, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nói rằng việc tách khỏi Trung Quốc không phải là lựa chọn phù hợp đối với châu Âu bất chấp những căng thẳng trong mối quan hệ.

Nhà lãnh đạo sắp mãn nhiệm cũng nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Tư rằng Đức có thể đã ngây thơ trong một số lĩnh vực hợp tác với Trung Quốc. Bà nói: “Có thể ban đầu chúng tôi còn quá ngây thơ trong cách tiếp cận đối với một số quan hệ đối tác hợp tác. Ngày nay, chúng tôi xem xét kỹ hơn và đúng như vậy”.

Nhưng bà nói rằng điều quan trọng là Đức và Liên minh châu Âu (EU) phải tiếp tục hợp tác với Trung Quốc và học hỏi lẫn nhau. Bà nói: “Theo quan điểm của tôi, việc tách toàn bộ khỏi Trung Quốc sẽ không đúng, nó sẽ gây tổn hại cho chúng tôi”.

Bà Merkel cũng cho biết Đức đã liên tục thảo luận với Bắc Kinh về quyền sở hữu trí tuệ và bảo hộ bằng sáng chế, “cả về sinh viên Trung Quốc ở Đức và các doanh nghiệp Đức hoạt động ở Trung Quốc”.

Bà Merkel đã tìm cách hợp tác với Trung Quốc trong suốt 16 năm cầm quyền và giúp vun đắp mối quan hệ giữa EU và Trung Quốc. Bà đã không tái tranh cử trong cuộc bầu cử tháng 9 và sẽ từ chức khi chính phủ liên minh mới được thành lập.

Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Đức vào năm 2016 và sự mở rộng kinh tế nhanh chóng của nước này đã thúc đẩy sự phát triển của Đức trong suốt nhiệm kỳ của bà Merkel. Nhưng một số nhà phê bình cho rằng Đức hiện đang quá phụ thuộc vào Trung Quốc và trở nên quá mềm mỏng với Bắc Kinh trong các vấn đề khó xử như vi phạm nhân quyền.

Chính phủ của Thủ tướng Merkel cho biết bà luôn giải quyết các vấn đề nhân quyền trong các chuyến thăm chính thức tới Trung Quốc – bà đã tới thăm đất nước này 12 lần với tư cách là thủ tướng – và đã tìm cách đa dạng hóa thương mại ở châu Á.

Nhận xét của bà được đưa ra trong bối cảnh quan hệ giữa Trung Quốc và EU đang ở mức thấp do một loạt vấn đề ngày càng gia tăng, bao gồm cả vấn đề Hồng Kông và Tân Cương. Vào tháng 5, Nghị viện châu Âu đã ngừng phê chuẩn hiệp ước đầu tư với Trung Quốc sau khi hai bên áp đặt các biện pháp trừng phạt ăn miếng trả miếng do châu Âu cáo buộc Bắc Kinh vi phạm nhân quyền của người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Bắc Kinh cũng tức giận bởi việc một số quốc gia châu Âu tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ hơn với Đài Loan – nơi họ tuyên bố là lãnh thổ của riêng mình.

Khi Brussels cố gắng cân bằng mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Đài Bắc, Trung Quốc đang cố gắng tái gắn kết với châu Âu. Zhang Ming, đại sứ của Trung Quốc tại EU cho biết hai bên có kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc vào cuối năm nay.

Về các vấn đề khí hậu, bà Merkel nói với Reuters rằng bà đã thúc giục Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường sử dụng công nghệ sạch hơn nếu các nhà máy nhiệt điện than mới được xây dựng ở Trung Quốc.

Đảng của bà Merkel, Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo, có thể sẽ trở thành đảng đối lập và có khả năng sẽ có “hành động diều hâu đối với Trung Quốc” sau khi bà từ chức, theo Noah Barkin, chuyên gia về châu Âu-Trung Quốc tại Rhodium Group.

Thảo Anh