Ấn Độ “trợ lực” cho ngành thủy sản vượt qua đại dịch

Ấn Độ hiện là nước xuất khẩu thủy sản lớn thứ tư trên thế giới. Đó là lý do Chính phủ nước này đã cam kết một kế hoạch hỗ trợ tài chính nhằm “trợ lực” cho ngành thủy sản vượt qua cơn khốn khó do ảnh hưởng của dịch Covid – 19. Đây là một phần của gói hỗ trợ tài chính trị giá hơn 260 tỷ USD được Chính phủ Ấn Độ công bố ngày 12/5/2020 nhằm vực dậy tăng trưởng trong nền kinh tế, qua đó giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Ông Nirmala Sitharaman – Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ cho biết hơn 2,6 tỷ USD từ gói tài chính này sẽ được phân bổ thông qua Chương trình Pradhan Mantri Matsya Sampada Yojana (PMMSY) để hỗ trợ sự phát triển toàn diện và bền vững của ngành thủy sản. Trong đó ngành khai thác biển, khai thác nội địa và nuôi trồng thủy sản được hỗ trợ 1,45 tỷ USD; cơ sở hạ tầng nghề cá (cảng cá, chuỗi bảo quản lạnh…) và phát triển thị trường được hỗ trợ khoảng 1,15 tỷ USD. Thông qua kế hoạch hỗ trợ tài chính lần này kỳ vọng sẽ giúp ngành thủy sản Ấn Độ giải quyết công ăn việc làm cho hơn 55 triệu người; đồng thời nâng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của quốc gia này lên gấp đôi, đạt mức 13 tỷ USD.

Viện Nghiên cứu Hải sản Trung ương Ấn Độ (CMFRI) cho biết các khoản hỗ trợ từ gói tài chính này có thể được sử dụng để hướng đến cải cách nghề khai thác thủy sản địa phương. Ngư dân sẽ được hỗ trợ để hiện đại hóa tàu cá thông qua nâng cấp các hệ thống an toàn hàng hải, hệ thống định vị cũng như tăng năng lực của tàu cá Ấn Độ trong vấn đề sơ chế và bảo quản cá trên tàu đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh việc được phân bổ để nâng cấp các cảng cá và các cơ sở bán buôn, gói hỗ trợ này cũng dành ưu tiên cho ngành nuôi trồng hải sản, đặc biệt là mô hình nuôi lồng nhờ khả năng sử dụng hiệu quả các khoản đầu tư lớn.

Các dự án đang được xem xét để tài trợ bao gồm các ngân hàng giống cá biển, trại giống và các cơ sở phụ trợ cho nuôi cá lồng.

Ông Gopalakrishnan – Giám đốc CMFRI cho biết ngành nuôi trồng hải sản và nuôi trồng thủy sản ven biển có thể giải quyết việc làm cho một bộ phận lớn người dân Ấn Độ di cư từ các quốc gia khác về. “Tuy nhiên trong bối cảnh ngành thủy sản đã bị tàn phá nặng nề bởi dịch Covid – 19 thì gói hỗ trợ rất cần được điều chỉnh một cách kỹ lưỡng và triển khai chiến lược để đạt được hiệu quả cao nhất” – ông Gopalakrishnan nhấn mạnh.

Thanh Trúc