ACFIC mong muốn thúc đẩy hợp tác thương mại Việt Nam – Trung Quốc

Tại Hà Nội, đã diễn ra cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo Liên đoàn Công thương Trung Quốc (ACFIC) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đại diện ACFIC và VCCI cùng các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Trung Quốc và Việt Nam đều mong muốn và kỳ vọng vào việc tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp hai bên.

Phó Chủ tịch VCCI Đoàn Duy Khương tiếp đón ông Từ Lạc Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Công Thương Trung Quốc (ACFIC).

Ông Từ Lạc Giang – Phó Chủ tịch ACFIC cho biết: Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã đạt khoảng 150 tỷ USD (thống kê của Trung Quốc). Ngược lại, Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khối ASEAN. Dù vậy, tiềm năng hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước vẫn còn rất lớn.

Cuộc gặp gỡ giữa ACFIC và VCCI, cùng các doanh nghiệp lớn thuộc ACFIC và các doanh nghiệp của Việt Nam hôm nay, là một hoạt động nhằm triển khai nhận thức chung của hai nước về hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, hiện thực hóa các Sáng kiến Một vành đai Một con đường; Hai hành lang Một vành đai kinh tế. ACFIC ủng hộ và mong muốn doanh nghiệp hai bên đẩy mạnh hợp tác đầu tư, kinh doanh, góp phần củng cố mối quan hệ láng giềng, hợp tác, hữu nghị Trung Quốc – Việt Nam ngày càng phát triển” – ông Từ Lạc Giang phát biểu.

Trong khuôn khổ cuộc gặp nêu trên, ACFIC và VCCI đã ký kết thỏa thuận hợp tác, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động kết nối, thúc đẩy, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam – Trung Quốc.

Về phía VCCI, ông Đoàn Duy Khương – Phó Chủ tịch VCCI cho rằng: Quan hệ giữa hai nước ngày càng phát triển tốt đẹp, trao đổi thương mại song phương có thể hướng tới đạt khoảng 200 – 300 tỷ USD trong giai đoạn tới. Hai bên cần hợp tác chặt chẽ nâng cấp hạ tầng phục vụ xuất nhập khẩu, tăng cường kết nối giao thông đường sắt, đường bộ, đường hàng không, đường biển. Tiếp tục tạo hành lang pháp lý phù hợp để thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, nhất là hoạt động thương mại qua biên giới.

Hiện giá trị trao đổi thương mại Việt Nam – Trung Quốc theo đường tiểu ngạch còn chiếm tỷ trọng lớn, cần có các biện pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho hàng hóa hai bên lưu thông thuận lợi vào thị trường của nhau, nhất là hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc, tăng dần tỷ trọng giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu theo đường chính ngạch.

Ngoài ra, theo ông Khương, hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp Trung Quốc mới tập trung mạnh ở khu vực biên giới của Trung Quốc tiếp giáp Việt Nam (Vân Nam, Quảng Tây…). Thời gian tới, cần kết nối, thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp thuộc các khu vực sâu trong nội địa của Trung Quốc hợp tác đầu tư, kinh doanh.

Về phía doanh nghiệp, ông Dương Vạn Sinh – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đầu tư Vạn Sinh Long (Quảng Tây, Trung Quốc) cho biết: Hàng hóa nông sản… của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc qua các cửa khẩu hiện còn gặp nhiều khó khăn. Vạn Sinh Long đang đầu tư vào khu hợp tác kinh tế qua biên giới hai nước (Đồng Đăng, Lạng Sơn, Việt Nam) với dự án hướng tới cửa khẩu thông minh đầu tiên trên tuyến biên giới Trung – Việt, công suất đạt khoảng 150 triệu tấn hàng hóa và khoảng 36.000 lượt xe thông quan mỗi năm.

Ông Nguyễn Xuân Đông – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vinaconex cho biết: Là một tập đoàn kinh doanh đa ngành gồm xây dựng, bất động sản, đầu tư khu công nghiệp, thủy điện, công nghệ, giáo dục…, đến với cuộc gặp gỡ này là một cơ hội rất tốt cho Vinaconex tiếp cận các tập đoàn lớn của Trung Quốc, đặc biệt là các dự án mà họ sẽ đầu tư vào Việt Nam trong tương lai, khi đó Vinaconex sẽ có cơ hội hợp tác thực hiện. “Sau buổi gặp gỡ này, Vinaconex sẽ liên hệ qua Tham tán Thương mại Trung Quốc tại Việt Nam để giao lưu, tiếp xúc, trao đổi sâu hơn với các tập đoàn Trung Quốc về nhu cầu và khả năng hợp tác” – ông Nguyễn Xuân Đông chia sẻ.

Huy Hoàng