Phân hữu cơ – Nền tảng của một nền sản xuất nông nghiệp xanh, sạch, chất lượng cao

Là một nước nông nghiệp, hàng năm người nông dân Việt Nam tạo ra một khối lượng rất lớn phụ phẩm (rơm rạ, thân lá cây ngô… ) và chất thải chăn nuôi. Nhằm tận dụng nguồn nguyên liệu này và góp phần bảo vệ môi trường, các nhà khoa học, các doanh nghiệp đã mày mò nghiên cứu cho ra thị trường nhiều sản phẩm phân bón hữu cơ chất lượng cao.

Từ năm 2016, Việt Nam đã khôi phục phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Đây chính là điều kiện thuận lợi để phân bón hữu cơ phát triển.  Đến nay, số lượng phân bón hữu cơ được công nhận lưu hành ở Việt Nam là 2.487 sản phẩm, tăng 3,5 lần so thời điểm tháng 12/2017, tăng nhanh hơn so với số lượng phân bón vô cơ được công nhận ở cùng thời điểm. Cả nước có 265 nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ, chiếm 31,6% trong tổng số 838 nhà máy sản xuất phân bón và tăng gần 1,47 lần so với số lượng 180 nhà máy năm 2017. Sản xuất phân bón hữu cơ tại nông hộ cũng phát triển nhanh chóng trong thời gian gần đây.

Tại Hội nghị “Thúc đẩy sản xuất, sử dụng và nâng cao chất lượng phân bón hữu cơ” vừa diễn ra tại Hà Nội, các đại biểu cho rằng để đạt mục tiêu về sản xuất, tiêu thụ phân bón hữu cơ trong nước đạt 3 triệu tấn và xuất khẩu 0,5 triệu tấn vào năm 2020, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách theo hướng ưu tiên, hỗ trợ tối đa cho phát triển phân bón hữu cơ. Như vậy sẽ vừa bảo đảm an ninh lương thực, vừa nâng cao chất lượng nông sản, đồng thời, phục hồi dần hệ sinh thái bị ảnh hưởng bởi lạm dụng phân bón hoá học, tiến tới xây dựng một nền sản xuất nông nghiệp sạch, chất lượng cao, hiệu quả và bền vững.

Ông Nguyễn Xuân Cường – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết để tạo môi trường thuận lợi cho phân bón hữu cơ phát triển, yêu cầu tiên quyết là nước ta phải có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ để không phải chỉ doanh nghiệp làm phân hữu cơ, mà các Hợp tác xã hay ngay người dân cũng có thể tham gia làm phân hữu cơ tốt. Ngoài ra cần quan tâm thể chế hóa luật trồng trọt, Nghị định 109, Nghị định 108 và Nghị định 57; từ đó có những cơ chế, chính sách để khuyến khích doanh nghiệp tích  cực vào cuộc, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ đến mọi tầng lớp nhân dân.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường và các chuyên gia, để thúc đẩy sản xuất, sử dụng và nâng cao chất lượng phân bón hữu cơ cần tập trung nghiên cứu, chuyển giao các sản phẩm phân bón hữu cơ mới đáp ứng các tiêu chí hiệu quả cao, tác dụng nhanh, thân thiện với môi trường; đẩy mạnh tập huấn, nâng cao nhận thức, tư duy của người dân về vai trò, tác dụng lâu dài của phân bón hữu cơ. “Việc tái sử dụng phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay có thể nói là việc làm cần thiết, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao, giảm phát khí thải nhà kính, bảo vệ môi trường, qua đó góp phần hướng tới một nền kinh tế xanh, bền vững và hiệu quả” – ông Cường nhấn mạnh.

Kim Phương