Việt Nam tránh thành thị trường xuất khẩu hàng thừa của thương chiến Mỹ – Trung

Đó là cảnh báo của nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển trước thực trạng thương chiến Mỹ – Trung đang leo thang và dự kiến sẽ còn kéo dài trong nhiều năm tới. Bởi khi đồng Nhân dân tệ (NDT) giảm giá, Trung Quốc sẽ tìm mọi cách tuồn hàng thừa, hàng kém chất lượng vào Việt Nam.

Theo Tiến sĩ Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc (VCES) thuộc Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, thương chiến Mỹ – Trung chắc chắn còn kéo dài và sẽ khó đi đến thỏa thuận trong năm 2019, thậm chí 2020.

“Tổng thống Mỹ Donald Trump không muốn đi đến thỏa thuận nếu không nằm trong kế hoạch của Mỹ. Thương chiến đang làm thay đổi Trung Quốc và nước này sẽ là điểm đến đầy bất trắc”, ông Thành nói.

Việt Nam được đánh giá là có thể thay thế được Trung Quốc trong việc xuất khẩu một số mặt hàng vào Mỹ. Truyền thông thế giới cũng từng nói rằng Việt Nam được lợi từ thương chiến này. Tuy nhiên, thực tế đang chứng minh điều này không chính xác. Lấy ví dụ như ngành ngành dệt may.

Mỹ là thị trường mà doanh nghiệp Việt Nam đang phải chia sẻ với doanh nghiệp Trung Quốc nhiều nhất (Mỹ nhập từ Trung Quốc 40%, từ Việt Nam 15%). Đợt áp thuế mới nhất với 267 tỷ USD với các mặt hàng tiêu dùng như dệt may, điện thoại… tạo cơ hội cho Việt Nam tăng xuất khẩu. Nhưng hàng xuất khẩu lại chủ yếu là từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Hay như ngành gỗ và sản phẩm gỗ. Xuất khẩu của ngành gỗ vào Mỹ đạt 4 tỷ USD nhưng ở mảng gỗ chế biến, doanh nghiệp Việt Nam chỉ chiếm 43%.

Đồng tình, ông Trương Đình Tuyển cũng cho rằng, thương chiến Mỹ – Trung sẽ kéo dài trong thời gian không ai đoán định được và cả hai phía đều rất “rắn”. Nhiều khả năng công cụ mà hai bên dùng làm đòn “cân não” nhau là thuế sẽ không dừng lại ở mức 25% như đã công bố.

Không phủ nhận một số mặt hàng xuất khẩu như dệt may, công nghệ… của Việt Nam tăng trưởng mạnh từ sau khi thương chiến Mỹ – Trung bắt đầu căng thẳng. Thêm vào đó, Việt Nam được xem là nơi hút dòng vốn FDI từ Trung Quốc khi mà các nhà đầu tư nước ngoài sẽ rút vốn khỏi thị trường này và chuyển nó vào Việt Nam.

Tuy nhiên, về lâu dài, hệ quả từ cuộc chiến này mang lại cho Việt Nam không hề nhỏ. Ảnh hưởng tiêu cực lớn nhất chính là việc phải cạnh tranh với hàng Trung Quốc tại các thị trường ngoài Mỹ. Bởi lẽ, khi đồng NDT giảm giá thì hàng hóa Trung Quốc tại các thị trường khác sẽ rẻ hơn và cạnh tranh trực tiếp với hàng Việt Nam.

Điều đáng nói hơn là khi đồng NDT giảm giá, nhiều sản phẩm kém chất lượng hoặc dư thừa ở Trung Quốc sẽ bị đẩy sang Việt Nam. Vô hình chung, Việt Nam trở thành nơi tiêu thụ hàng kém chất lượng của Trung Quốc. Điều này làm tăng nguy cơ Việt Nam bị Mỹ đánh thuế. Tổng thống Mỹ cũng đã cảnh báo Việt Nam về vấn đề này khi xuất siêu của Việt Nam ngày càng lớn.

“Việt Nam cần tỉnh táo trước chiến lược này của Trung Quốc. Đây là nguy cơ lớn”, ông Trương Đình Tuyển cảnh báo.

Trong bối cảnh này, các chuyên gia khuyến nghị, doanh nghiệp cần tăng cường hoạt động phòng trừ rủi ro để có thể chủ động trong bị động. Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cho rằng Việt Nam cần phải thay đổi cơ chế xuất nhập khẩu, hạn chế nhập hàng dư thừa từ Trung Quốc. Các doanh nghiệp Việt Nam cần tích cực điều chỉnh cơ cấu thị trường theo hướng cân bằng hơn.

Thứ nhất, giảm nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc, nhất là các sản phẩm công nghệ cao, tăng nhập khẩu các sản phẩm này từ các thị trường khác như Mỹ.

Thứ hai, khi Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường EU, thay vì chỉ tập trung vào thị trường Mỹ. Đây là một tiềm năng to lớn cần khai thác. Song song đó, phải kiên quyết chống gian lận thương mại, bao gồm gian lận xuất xứ để tránh bị Mỹ và các đối tác thương mại trừng phạt.

“Chúng ta vừa ký EVFTA. Nếu xem châu Âu là một thực thể kinh tế thì đây là thị trường lớn với 500 triệu dân, rất cần đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là những khu vực đang bỏ ngỏ như Đông Âu… để không phụ thuộc vào một thị trường. Đa dạng thị trường cũng là cách để giảm xuất siêu vào Mỹ, giảm nguy cơ bị Mỹ đánh thuế”, ông Tuyển nhấn mạnh.

Về phần mình, ông Phạm Sỹ Thành cho rằng, điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam lâu nay là thiếu thông tin. Bởi lẽ, chi phí cho việc tìm kiếm, phân tích thông tin là rất lớn. Do vậy, các doanh nghiệp cần thông qua hiệp hội ngành hàng để có được những thông tin về kinh tế vĩ mô, ngành hàng.

“Với các hiệp định thương mại đã ký, doanh nghiệp cần quan tâm, lưu ý đến phần phòng vệ thương mại. Đây là xu hướng đang tăng cao và doanh nghiệp khó tự ứng xử, đối phó. Vì vậy, càng cần có vai trò của hiệp hội trong việc tìm kênh thông tin chính xác cũng như có những đề xuất chính sách với Chính phủ”, ông Thành khuyến nghị.

Hồng Thúy