Ưu tiên nâng cao năng lực hội nhập cho cộng đồng doanh nghiệp trong năm Chủ tịch ASEAN 2020

Nhằm lắng nghe những đề xuất từ doanh nghiệp để chuẩn bị các nội dung nghị sự có liên quan cho năm Chủ tịch ASEAN 2020, mới đây Bộ Ngoại giao đã tổ chức Toạ đàm cấp cao về năm ASEAN 2020. Buổi Tọa đàm do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam, Tổng Thư ký Ủy ban quốc gia ASEAN 2020 chủ trì.

Đại diện cho cộng đồng có mặt tại buổi Tọa đàm, ông Phạm Đình Đoàn – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phú Thái – thành viên Hội đồng Tư vấn kinh doanh ASEAN (ABAC) cho biết mặc dù hội nhập ASEAN nói chung và AEC nói riêng đã và đang diễn ra song cho đến nay vẫn có nhiều doanh nghiệp chưa hiểu, thậm chí là chưa nắm rõ hội nhập ASEAN/AEC là như thế nào. Thông tin về ASEAN/AEC đối với họ vẫn còn rất mơ hồ, nhất là những thông tin cụ thể về cơ chế hợp tác, hội nhập, cơ hội kinh doanh, thị trường, lợi ích, thách thức đối với doanh nghiệp từ AEC…

Có thể thấy AEC hướng tới một thị trường chung, giàu tiềm năng khai phá với lượng người tiêu dùng lên đến hơn 600 triệu. Tuy nhiên điều đáng lưu tâm là làm thế nào để hợp tác, khai thác hiệu quả các cơ hội thị trường nội khối mang lại, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp ASEAN có nhiều khối, nhiều ngành nghề, nhiều lĩnh vực, qui mô… khác nhau? Thông tin về doanh nghiệp từng nước trong các ngành, nghề, lĩnh vực… mạnh về cái gì, cần liên kết hợp tác với nhau cái gì, nhu cầu thị trường mỗi nước ra sao, năng lực kinh doanh thế nào?…. “Ưu tiên hàng đầu hiện nay là ASEAN cần quan tâm cập nhật đầy đủ cho doanh nghiệp những thông tin cần thiết, sơ bộ nhất; qua đó góp phần thúc đẩy hợp tác, đẩy mạnh giao dịch nội khối và mở rộng hợp tác ra bên ngoài” – đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam khuyến nghị.

Còn theo ý kiến của một CEO trẻ khởi nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực trẻ trong các nước ASEAN không đồng đều. Các doanh nhân trẻ Việt Nam rất mong muốn được học hỏi, nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn trong mối tương quan với các quốc gia có trình độ nguồn nhân lực phát triển hơn trong khu vực. Tuy nhiên thời gian qua vấn đề kết nối trong lĩnh vực này tại ASEAN lại chưa được lan tỏa, chưa phát huy hiệu quả thiết thực. Thực tế này đòi hỏi ASEAN cần có cơ chế phù hợp để thúc đẩy giao lưu văn hóa, trao đổi kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm… giữa các thanh niên trẻ, các start-up trong ASEAN.

Đồng quan điểm, đại diện Hiệp hội Doanh nhân trẻ ASEAN khẳng định một trong những mục tiêu hàng đầu ASEAN hướng tới là lấy con người làm trung tâm. Tuy nhiên thời gian qua hoạt động nâng cao năng lực cho cộng đồng doanh nhân trẻ vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Để doanh nhân trẻ ASEAN tiếp cận được các hệ thống huấn luyện, đào tạo, thúc đẩy hợp tác kinh doanh, tiếp cận tốt hơn các cơ hội của thị trường mang lại, rất cần có sự tương tác, kết nối sâu và hỗ trợ từ Ban Thư ký ASEAN thông qua các hoạt động hợp tác, tương tác với Hiệp hội Doanh nhân trẻ ASEAN.

Ghi nhận ý kiến đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cho biết ASEAN rất quan tâm đến vấn đề hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển, khởi nghiệp, nâng cao năng lực hội nhập AEC hiệu quả… trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0. Với ý nghĩa đó, buổi Tọa đàm hôm nay tập trung vào việc cung cấp thông tin, tạo cơ hội tiếp cận, nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp về ASEAN/AEC; đồng thời lắng nghe những đề xuất từ doanh nghiệp để chuẩn bị các nội dung nghị sự có liên quan cho năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam. “Các sáng kiến, đề xuất doanh nghiệp đưa ra tại Tọa đàm là rất chính đáng, Chủ tịch ASEAN 2020 sẽ có những nỗ lực thúc đẩy ASEAN tiếp tục triển khai những ưu tiên hỗ trợ phù hợp cho doanh nghiệp. Với vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam sẽ tiếp tục kế thừa nỗ lực của các nước Chủ tịch ASEAN trước, đẩy mạnh triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, củng cố đoàn kết, gắn kết và vai trò trung tâm của ASEAN, nâng cao khả năng thích ứng hiệu quả của ASEAN trước các thời cơ, thách thức đặt ra đồng thời đóng góp cải tiến, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN. Về phía các doanh nghiệp cũng cần chủ động nghiên cứu, nắm bắt thông tin, nhất là sử dụng hiệu quả cơ chế ASEAN/AEC để tận dụng tối đa các cơ hội hỗ trợ hợp tác, kinh doanh, qua đó vừa mang lại lợi ích cho doanh nghiệp vừa tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế đất nước”  – Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh.

Còn theo Tổng Thư ký ASEAN – Lim Jock Hoi, với chức năng, nhiệm vụ được giao, trong thời gian tới ông và Ban Thư ký ASEAN sẽ nỗ lực phối hợp chặt chẽ để hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy và thực hiện thành công các mục tiêu đề ra trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020. “Sẽ tốt biết bao nếu cộng đồng doanh nghiệp tích cực ủng hộ và đồng hành cùng Ban Thư ký ASEAN để tạo ra một mạng lưới doanh nhân trẻ phát triển của ASEAN. Thời gian tới Ban Thư ký ASEAN sẽ tiếp tục nỗ lực tích cực phối hợp với Chủ tịch ASEAN 2020 nhằm thúc đẩy kết nối, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp ASEAN nói chung và các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng trong hội nhập AEC, qua đó góp phần khai thác hiệu quả các tiềm năng trong nội khối và mở rộng hợp tác ra bên ngoài” – ông Lim Jock Hoi khẳng định.

Theo ghi nhận của các đại biểu, buổi Tọa đàm đã góp phần cung cấp những thông tin hữu ích từ Ban Thư ký ASEAN và những gợi mở thiết thực từ Tổng Thư ký ASEAN giúp các bộ, ngành và các doanh nghiệp Việt Nam hiểu rõ hơn về các quy trình, thủ tục, thông tin về cách thức phối hợp, hoạt động trong ASEAN; qua đó có thể tận dụng tối đa các cơ hội và xử lý tốt các vấn đề đặt ra trong hợp tác ASEAN, nhất là chuẩn bị cho nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN năm 2020 của Việt Nam.

Ngọc Anh