Áp lực đè nặng trên mặt trận chống gian lận xuất xứ hàng hóa
Thời điểm các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) Việt Nam ký kết chính thức có hiệu lực cũng đồng nghĩa với sự gia tăng về áp lực trong lĩnh vực phòng chống gian lận xuất xứ hàng hóa. Trước nguy cơ này, Bộ Công Thương đang tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị để tìm giải pháp quản lý hiệu quả.
Nhiều hệ lụy tiêu cực
Ông Lê Triệu Dũng – Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết 7 tháng đầu năm 2019, tần suất các vụ kiện phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vẫn duy trì ở mức độ cao (trung bình 1 vụ/1 tháng). Điểm đáng lưu ý là các nước đều đang chú trọng tới việc điều tra xuất xứ hàng hoá nhằm áp dụng các biện pháp bảo hộ mậu dịch, phòng vệ thương mại. Hiện Bộ Công Thương Việt Nam đang tiến hành xử lý 7 vụ việc phòng vệ thương mại (5 vụ việc chống bán phá giá, 2 vụ việc trợ cấp) khởi xướng điều tra với hàng xuất khẩu của Việt Nam; đồng thời tiếp tục xử lý 7 vụ việc khởi xướng từ năm 2018; 4 vụ việc rà soát biện pháp phòng vệ thương mại đã áp dụng, trong đó có những vụ việc có kim ngạch xuất khẩu lớn như cá tra, tôm. “Trong bối cảnh xu thế bảo hộ đang gia tăng, đặc biệt đối với nhiều nhóm sản phẩm như thép, nhôm, nông sản, thủy sản,… để giảm thiểu khả năng bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, Việt Nam cần có một chiến lược tổng thể, dài hạn trong việc phát triển chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng cho hàng xuất khẩu” – ông Dũng khuyến nghị.
Liên quan đến việc kiểm tra, xác minh cấp C/O, ông Trần Hữu Linh – Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết 3 tháng vừa qua Cục Xuất nhập khẩu liên tục gửi hồ sơ sang Tổng cục Quản lý thị trường về nghi vấn gian lận C/O, làm C/O giả. Qua kiểm tra cho thấy, vụ việc được phát hiện do cơ quan hải quan nước nhập khẩu báo lại, có 3 trường hợp doanh nghiệp làm giả liên 1 của C/O (có 3 liên), thực hiện qua một công ty dịch vụ chuyên làm C/O. Doanh nghiệp lý giải là do cần gấp C/O, nếu không cấp kịp phía đối tác sẽ huỷ đơn hàng. Ngoài ra còn có tình trạng doanh nghiệp gia công, chế biến những mặt hàng đơn giản không đủ điều kiện cấp C/O nhưng họ vẫn xin cấp C/O Việt Nam nhằm hợp thức hoá hồ sơ. “Hệ luỵ là sẽ chuyển hàng không đủ tiêu chuẩn sang thị trường châu Âu, châu Mỹ. Do đó chúng ta cần phải quyết liệt, cụ thể, kiểm soát chặt chẽ hơn trong việc cấp C/O” – ông Linh nhấn mạnh.
Cùng chung nỗi lo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết với việc Hoa Kỳ – một trong những thị trường lớn nhất của nước ta đang cho phép các doanh nghiệp tự chứng nhận C/O đã dẫn đến những hệ lụy tiêu cực. Cụ thể nhiều doanh nghiệp không sản xuất hàng hóa tại Việt Nam, hàng hóa không có xuất xứ Việt Nam cũng có thể tự chứng nhận C/O Việt Nam, nhập khẩu hàng hóa vào Hoa Kỳ và lưu thông trên thị trường. “Bộ Công Thương đã nhiều lần cảnh báo với phía Hoa Kỳ và hải quan nước này cũng hứa hẹn sẽ lưu ý. Mặc dù phần lỗi không thuộc về phía Việt Nam song ít nhiều hàng hóa nước ta cũng bị ảnh hưởng bởi vấn đề này” – Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định.
Siết chặt quy trình
Báo cáo về việc hậu kiểm khi thực hiện cấp C/O, ông Phan Văn Chinh – Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết cơ quan này đã thường xuyên trao đổi, cảnh báo các tổ chức cấp C/O về việc tăng cường kiểm tra, giám sát việc cấp C/O; trong đó đặc biệt lưu ý tới một số mặt hàng có nguy cơ cao về gian lận xuất xứ hàng hóa. Chủ động tổ chức các đoàn kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa tại cơ sở sản xuất của doanh nghiệp khi có nghi vấn về gian lận xuất xứ. Tập huấn, hướng dẫn về xuất xứ hàng hóa cho doanh nghiệp, khuyến nghị doanh nghiệp phối hợp cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý khi thấy có dấu hiệu bất thường, tránh gây ảnh hưởng đến cả ngành sản xuất.
Đối với các nước nhập khẩu, trước năm 2016 nước nhập khẩu xác minh xuất xứ chủ yếu các mặt hàng công nghiệp, tuy nhiên gần đây các nước có xu hướng chuyển sang xác minh xuất xứ cả mặt hàng nông sản. Chính vì vậy Cục Xuất nhập khẩu cũng thường xuyên thành lập Tổ công tác liên ngành liên quan phối hợp với cơ quan có thẩm quyền nước nhập khẩu tiến hành kiếm tra, xác minh tại cơ sở sản xuất cũng như kiểm tra, xác minh hồ sơ giấy.
Khẳng định chỉ cần liên quan một vụ việc gian lận xuất xứ, Việt Nam sẽ trở thành chủ thể trong các xung đột thương mại, do đó Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chỉ đạo Cục Xuất nhập khẩu thực hiện tốt vai trò kiểm tra xác minh xuất xứ, báo cáo lên Chính phủ cập nhật tình hình, kết quả của các cuộc kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa. Đồng thời tiếp tục chủ trì, phối hợp với Tổng cục Hải quan, các tổ chức cấp C/O tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, hậu kiểm đối với các mặt hàng xuất khẩu đòi hỏi tiêu chí xuất xứ chặt (xuất xứ thuần túy) hoặc các mặt hàng nằm trong danh sách đang bị điều tra, áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp của các nước trên thế giới.
Về phía Bộ Công Thương cũng tập trung xây dựng Đề án Phòng chống gian lận xuất xứ hàng hóa trong hoạt động xuất nhập khẩu; tăng cường vai trò quản lý nhà nước trong việc kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa trong hoạt động cấp C/O nhằm ngăn chặn gian lận xuất xứ hàng hóa; đồng thời thành lập đoàn kiểm tra tình hình thực hiện cấp và quản lý cấp C/O ưu đãi tại Việt Nam.
Thái Hòa