Nhà báo thời công nghệ số: Công nghệ càng cao, trách nhiệm xã hội các lớn…

Thời đại số hóa toàn xã hội. mang lại những điều kiện thuận lợi cho công việc của các nhà báo trên phương diện: công nghệ, kỹ thuật làm báo, khai thác tin…song cũng đồng thời đòi hỏi các nhà báo càng phải đề cao trách nhiệm xã hội.

Đầu những năm 1990, khi máy tính, Internet vẫn còn là khái niệm mơ hồ tại Việt Nam thì ngay trong làng báo chí đã diễn ra cuộc chạy đua khốc liệt về tốc độ đưa tin. Thời điểm này, tin tức, hình ảnh chủ yếu được trao chuyển qua đường hàng không (phóng viên bỏ tin bài, hình ảnh vào một cái ống rồi nhờ hành khách chuyển từ Hà Nội vào Tp.HCM hoặc ngược lại).

Vài năm sau, công việc truyền tin trở nên dễ dàng hơn một chút với chiếc máy fax. Các nhà báo chỉ việc ký tên mình kèm theo dòng chữ “truyền từ địa điểm ABC nào đó” rồi thực hiện thao tác fax. Tuy nhiên điểm hạn chế là chất lượng hình ảnh lên báo không cao.

Đến thời đại hiện nay, khi làn sóng kế tiếp của các công nghệ số như trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain, Internet vạn vật (IoT), các nền tảng và dịch vụ điện toán đám mây (clouds) đang làm thay đổi chóng mặt từ xã hội đến nền kinh tế thì những câu chuyện kỹ thuật như trên của nghề báo đã dần lùi vào quá vãng. Thông tin thời đại công nghệ số  là sự tương tác tức thì, không bị hạn chế bởi không gian lẫn thời gian; nhà báo tha hồ tác nghiệp, thi triển tài năng của mình, mang đến cho độc giả lượng thông tin khổng lồ.

Có ý kiến cho rằng công nghệ thời 4.0 đã làm suy giảm vai trò đích thực cùng trách nhiệm xã hội của nhà báo khi mà phần chủ động, dẫn dắt đang nghiêng về phía độc giả hay ở một cấp độ cao hơn là mạng xã hội mà biểu hiện rõ nhất của sự mất cân bằng này là sự xuất hiện ngày càng nhiều tin giả (fake news). Tuy nhiên vẫn có rất nhiều người tin tưởng thời đại số hóa toàn xã hội mang lại những điều kiện thuận lợi cho công việc của các nhà báo trên phương diện: công nghệ, kỹ thuật làm báo, khai thác tin…và đây cũng đồng thời là dịp để tôn vinh trách nhiệm xã hội của nhà báo. Từ tác phẩm điều tra thâm cung bí sử của Nhà Trắng dưới thời ông Donald Trump cho đến vụ trấn lột trắng trợn tại chợ Long Biên ngay giữa thủ đô Hà Nội…; tất cả đều khẳng định, tôn vinh sự đồng hành đầy nhiệt huyết, đầy trách nhiệm của các nhà báo đối với cộng đồng và toàn xã hội.

Minh chứng cho việc công nghệ hiện đại không làm suy giảm vai trò xã hội của nhà báo chính là hàng trăm bản quy tắc đạo đức nghề nghiệp đang tồn tại trong làng báo chí thế giới. Có người nói, quy tắc ấy được quy định bởi tính văn hóa mà nó có thể rất cao sang ở nơi này nhưng có thể lại là một thứ xa xỉ ở nơi khác. Nhưng dấu ấn đạo đức, trách nhiệm cá nhân của nhà báo đối với cộng đồng xã hội – nơi họ sống và tác nghiệp lại vẫn luôn được nhắc đến như là mẫu số chung của các bản quy tắc đạo đức ấy.

Tại Hội nghị báo chí toàn quốc cuối năm 2018, đồng chí Võ Văn Thưởng – Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đặt nghi vấn: “Vì sao không ít nhà báo lại để mạng xã hội dẫn dắt?”. Theo ông Thưởng, cơ hội đích thực để làm xoay chuyển tình hình đến ngay từ những công nghệ làm báo hiện đại; vấn đề là nhà báo đã quên đi vai trò đích thực của mình trong định hướng, tạo dựng một cái nhìn khách quan cho cộng đồng. Và khi đó, thay vì “lo trước thiên hạ”, họ lại trở thành đối tượng bị sự kiện dẫn dắt.

Trân Nguyễn