Tp.HCM và tín hiệu vui từ ngành sản xuất công nghiệp

Tại phiên họp tình hình kinh tế – xã hội tháng 4, 4 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháng 5/2023, đại diện Sở Công Thương Tp.HCM cho biết trong tháng 4, tình hình kinh tế – xã hội Thành phố có tín hiệu khởi sắc; nổi bật ngành công nghiệp đang có sự phục hồi khá tốt

Chỉ số công nghiệp TP.HCM phục hồi trong tháng 4-2023 – Ảnh: HỮU HẠNH

Cụ thể trong trong tháng 4/2023, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của Tp.HCM tăng 3% so với tháng 3 và tăng 8,09% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 4 tháng đầu năm, IIP toàn ngành ước tăng 1,4% (cùng kỳ tăng 2,6%).

“Điểm sáng” trong bức tranh công nghiệp Thành phố những tháng đầu năm nằm ở sự tăng trưởng tích cực của 4 nhóm ngành công nghiệp trọng điểm (hóa dược – cao su – nhựa; chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống; cơ khí; sản xuất hàng điện tử); tiếp tục khẳng định vị thế ngành chủ đạo, đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp Thành phố. Lũy kế trong 4 tháng đầu năm, IIP 4 nhóm ngành công nghiệp trọng điểm ước tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Xét trong từng ngành công nghiệp trọng điểm, trong tháng 4 IIP ngành hóa dược – cao su – nhựa ước tăng 5,7% so với tháng 3 và tăng 3,2% so với tháng cùng kỳ năm 2022. Tính chung 4 tháng đầu năm, IIP ngành hóa dược – cao su – nhựa ước tăng 12,6% so với cùng kỳ năm ngoái (cùng kỳ tăng 22,3%), trong đó: ngành sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất ước tăng 7,5%; ngành sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu ước tăng 12,3%; ngành sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic ước tăng 17,07%.

Tương tự IIP tháng 4 của ngành chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống ước tăng 3,1% so với tháng 3 và tăng 5,9% so với tháng cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 4 tháng năm 2023  IIP ngành chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống ước giảm nhẹ 0,8% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 1,7%) do sự sụt giảm của ngành sản xuất đồ uống với IIP ước giảm tới 5,8% so với cùng kỳ. Ngược lại ngành sản xuất chế biến thực phẩm có sự khởi sắc với IIP 4 tháng ước tăng 2,1% so với cùng kỳ.

Đối với ngành cơ khí, mặc dù IIP toàn ngành trong tháng 4 ước giảm 1,1% so với tháng 3 nhưng tính chung 4 tháng đầu năm IIP vẫn tăng 4,3% (cùng kỳ tăng 1,8%). “Thời gian qua phát triển ngành cơ khí Thành phố vẫn chưa tương xứng với tiềm năng dồi dào sẵn có. Một bất cập lớn là đa phần các doanh nghiệp cơ khí còn phụ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu; thiết bị, công nghệ chậm đổi mới; giá thành, sức cạnh tranh và giá trị gia tăng trong sản phẩm chưa cao” – đại diện Hội Doanh nghiệp cơ khí – điện Tp.HCM nhận xét.

Với ngành sản xuất hàng điện tử, đại diện Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho biết đại dịch Covid-19, xung đột Nga – Ukraine đã đẩy giá nguyên nhiên liệu tăng, chuỗi cung ứng sản xuất linh kiện bị gián đoạn gây tác động tiêu cực tới ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, trong đó có ngành công nghiệp sản xuất linh kiện điện tử. Cụ thể IIP tháng 4/2023 ngành sản xuất hàng điện tử ước tăng 3,3% so với tháng 3 nhưng lũy kế 4 tháng đầu năm IIP lại giảm 0,58% (cùng kỳ giảm 8%).

Trong lĩnh vực thương mại, báo cáo của Sở Công Thương Tp.HCM cho thấy trong 4 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp Thành phố qua các cửa khẩu trên cả nước ước đạt 13,025 tỉ USD, giảm tới 20% so với cùng kỳ năm ngoái; ở chiều ngược lại kim ngạch nhập khẩu ước đạt 17,9 tỉ USD, giảm 20,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong lĩnh vực dịch vụ, lũy kế 4 tháng đầu năm tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Thành phố ước đạt 359.581 tỉ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Hầu hết các nhóm hàng đều có doanh thu bán lẻ 4 tháng ước tăng khá so với cùng kỳ như: lương thực, thực phẩm (tăng 25,8%); hàng may mặc (tăng 6,2%)…

Vĩ Văn