Các doanh nghiệp lớn đang rất khó khăn về dòng tiền
Đây là thông tin được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chia sẻ tại phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH). Người đứng đầu Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết khó khăn chồng chất khó khăn buộc các doanh nghiệp lớn phải thanh lý tài sản với giá rẻ, chỉ bằng 50% giá trị thực và người mua là doanh nghiệp nước ngoài
Cũng xoay quanh khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết qua tiếp xúc cử tri, nhiều doanh nghiệp đã không ngại chia sẻ rằng hai năm qua họ đã phải dùng đến những đồng dự trữ cuối cùng để trang trải chi phí và giờ không còn bất kỳ nguồn lực nào để tiếp tục duy trì.
Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế cũng cho thấy do mặt bằng lãi suất cho vay tăng nhanh và lợi nhuận doanh nghiệp sụt giảm nên trong ba tháng đầu năm 2023, tỷ lệ khả năng thanh toán bằng tiền mặt bình quân chỉ đạt 0,09 lần (trong khi đó cùng kỳ năm 2022 là 0,19 lần); tỷ lệ khả năng thanh toán lãi vay đạt 5,7 lần, giảm 0,8 lần so với cùng kỳ năm 2021. Kênh huy động vốn qua phát hành cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp gặp khó khăn, giảm sút vai trò huy động vốn cho nền kinh tế.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cảnh báo nếu tình hình kinh tế không được cải thiện, nợ xấu sẽ tăng lên và năng lực tài chính của các ngân hàng thương mại sẽ bị bào mòn. Minh chứng đến cuối tháng 3/2023, tỷ lệ nợ xấu bình quân toàn hệ thống ngân hàng là 2,88%, tăng so với mức 2,05% cuối năm 2022. Đối với các ngân hàng thương mại có tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) thấp, sát ngưỡng quy định sẽ phải gánh áp lực tăng vốn trong thời gian tới. Để đạt mức tăng trưởng kinh tế khả quan hơn, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh kiến nghị Chính phủ cần sớm chủ động chuyển trạng thái điều hành từ “thắt chặt, thận trọng” sang “thích ứng, nới lỏng”; đồng thời tiếp tục hạ lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ tăng trưởng.
Báo cáo của Chính phủ cho thấy năm 2022 nền kinh tế cán đích tăng trưởng 8,2% và 4 tháng đầu năm 2023, tình hình kinh tế – xã hội tiếp tục phát triển theo chiều hướng khả quan. Tuy nhiên Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng báo cáo của Chính phủ có “nhiều màu hồng” bởi thực tế từ cuối quý III/2022 đến nay, tăng trưởng kinh tế đã có dấu hiệu suy giảm. “Chính phủ cần đánh giá thực chất biểu đồ tăng trưởng, phân tích tồn tại đầy đủ hơn để không cảm thấy bất an khi tăng trưởng rơi từ 8,2% năm 2022 về 3,32% trong 3 tháng đầu năm 2023; đồng thời cần làm rõ hơn những tồn tại liên quan đến thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, sự yếu kém của ngân hàng bao lâu nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Ngoài ra Chính phủ cũng cần đánh giá khả năng chống chịu của nền kinh tế trước tác động bên ngoài; xử lý dứt điểm những bất cập về sở hữu chéo, “sân sau” của các ngân hàng” – ông Phương đề nghị.
Một trong những nguyên nhân khiến nền kinh tế “chững lại” trong thời gian qua được các thành viên UBTVQH chỉ ra là bệnh sợ, đùn đẩy trách nhiệm đang diễn ra phổ biến ở các địa phương, bộ ngành. Việc này đã làm giảm cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, gây phiền hà, khó khăn thêm cho doanh nghiệp.
Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh dẫn chứng Thủ tướng có Công điện số 280 về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương; Chỉ thị số 08 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên thực tế ở các địa phương, các ngành tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm “đá qua đá lại” vẫn diễn ra như cơm bữa. “Tình trạng phổ biến hiện nay là địa phương “thấy khó là gửi văn bản hỏi Trung ương, bộ, ngành” mà không năng động, sáng tạo tìm cách giải quyết. Còn bộ, ngành khi trả lời lại trích dẫn lại quy định trong luật và đề nghị làm theo luật. Trong báo cáo của Chính phủ cần chỉ rõ nơi nào làm tốt, nơi nào làm không tốt, cũng như có biện pháp xử lý các trường hợp đùn đẩy để giải quyết câu chuyện cầm chừng, sợ trách nhiệm này” – Trưởng Ban công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị
Trước đó thực tế này cũng đã được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phản ánh tại buổi làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính với Ban thường vụ Thành uỷ Tp.HCM vào giữa tháng 4. Năm 2022, Tp.HCM đã gửi đến Bộ Kế hoạch & Đầu tư tổng cộng 584 văn bản hỏi và cơ quan này cũng đã trả lời hơn 600 văn bản; đáng lưu ý ở đây là những vấn đề Thành phố hỏi đều thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương.
Nếu như giai đoạn trước bình quân mỗi năm Tp.HCM duyệt 70 dự án bất động sản thì trong 2 năm trở lại đây chỉ có 8 dự án được phê duyệt, chấp thuận đầu tư. Thủ tục đầu tư kéo dài, thậm chí là 1-2 năm cũng phần nào cho thấy sự trì trệ trong giải quyết công việc của đội ngũ cán bộ – công chức Thành phố. Điều này cũng đồng nghĩa với sức hút môi trường đầu tư của Tp.HCM đang sụt giảm nghiêm trọng và đây cũng là thực trạng chung tại nhiều địa phương trong cả nước. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết trước thực tế này, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đang giao đơn vị trực thuộc rà soát, xem văn bản nào của các bộ, ngành đang cản trở, làm ách tắc hoạt động nền kinh tế để có hướng tháo gỡ.
Về phía Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp khắc phục một bộ phận cán bộ lẩn tránh, né trách nhiệm, sợ sai, không chịu làm, tránh “việc cấp dưới đẩy lên cấp trên”. Đối với báo cáo kinh tế xã hội sẽ được Chính phủ hoàn thiện, bổ sung và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 (khai mạc vào 23/5), người đứng đầu Quốc hội yêu cầu phải bổ sung các giải pháp về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và siết chặt kỷ cương hành chính, công vụ.
Gia Bảo