Xuất khẩu thủy sản nhiều khả năng giảm sâu
Quý I/2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản giảm tới 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Không chỉ đơn hàng khan hiếm mà giá xuất khẩu thủy sản vào các thị trường đều thấp do doanh nghiệp bán bằng USD…
Khó chồng khó
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cho biết trong 3 tháng đầu năm họ phải đóng cửa nhà máy luân phiên, sản xuất cầm chừng do đơn hàng khan hiếm, chủ yếu là các đơn hàng nhỏ lẻ
Theo ông Trần Văn Lĩnh – Tổng giám đốc Công ty Thuận Phước, nếu như thời điểm này những năm trước các doanh nghiệp đã ký xong đơn hàng cho quý IV thì năm nay doanh nghiệp lại rơi vào cảnh “ăn đong” từng container hàng, ký được container nào thì làm container đó. Không chỉ giảm sút trầm trọng về đơn hàng mà giá xuất khẩu thủy sản vào các thị trường đều thấp do doanh nghiệp bán bằng USD. Đặt trong bối cảnh đồng Việt Nam đang mạnh lên so với đồng USD nên doanh nghiệp xuất khẩu càng bị khó.
Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (Vasep), trong tháng 3/2023 kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt 780 triệu USD, giảm 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 3 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 1,85 tỷ USD, giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong tháng 3, giá trị xuất khẩu các mặt hàng chủ lực giảm 8 – 39%; trong đó, xuất khẩu tôm giảm mạnh nhất với 39%, cá tra giảm 23%, cá ngừ giảm 33%, mực bạch tuộc giảm 8%. Tính đến hết quý I/2023, xuất khẩu tôm mang về 577 triệu USD, giảm 40%, xuất khẩu cá tra đạt 447 triệu USD, thấp hơn 32% so với cùng kỳ và cá ngừ giảm 31% đạt 179 triệu USD. Xuất khẩu mực, bạch tuộc cũng thấp hơn 8% so với cùng kỳ, đạt 54 triệu USD. Riêng xuất khẩu các loài cá biển tăng nhẹ 3% đạt 435 triệu USD.
Theo Tổng thư ký Vasep Trương Đình Hòe, thời điểm hiện tại thị trường đang rất khó khăn do có người bán mà không có người mua. Nhiều doanh nghiệp đang trong tình trạng “đói” đơn hàng trầm trọng, dù đã sang tháng 4 song đơn hàng vẫn chưa có. Dự báo những tháng tới xuất khẩu thủy sản sẽ còn giảm sâu hơn nữa. “Dù đang đối mặt với rất nhiều khó khăn song bản thân các doanh nghiệp cũng không thể tìm cho mình lối thoát riêng bởi vấn đề không phải do nội tại mà do thị trường nhập khẩu. Bối cảnh khó khăn chung, chúng ta không thể nào ép nhà nhập khẩu mua hàng. Với tình hình thị trường Mỹ như hiện nay, nếu vì nể nhau nhà nhập khẩu đưa đơn hàng với giá quá thấp hoặc kèm theo điều kiện giao hàng này nọ … thì doanh nghiệp cũng không thể làm được. Không riêng thị trường Mỹ mà các thị trường xuất khẩu khác đều đang trong tình trạng trì trệ” – ông Hòe cho hay.
Đón đầu xu hướng tiêu thụ sản phẩm xanh
Về triển vọng thị trường, bà Lê Hằng – Giám đốc Truyền thông Vasep cho rằng xu hướng chung trong nửa đầu năm 2023 là xuất khẩu tôm sẽ hồi phục chậm vì cạnh tranh gay gắt với Ấn Độ, Ecuador, Indonesia. Trong khi đó bức tranh xuất khẩu cá tra có nhiều triển vọng, đặt trong bối cảnh lạm phát và kinh tế suy giảm ở nhiều thị trường và có thêm cơ hội lớn sau khi Trung Quốc tái mở cửa hậu Covid-19. Nhiều khả năng Trung Quốc sẽ vươn lên trở thành thị trường nhập khẩu thuỷ sản lớn nhất Việt Nam nhưng áp lực cạnh tranh cũng rất lớn vì các nhà xuất khẩu các nước đang dồn lực vào thị trường tiềm năng này hậu mở cửa.
Còn tại các thị trường lớn như Mỹ, EU, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm truyền thống tại các siêu thị cho người tiêu dùng châu Á đang có xu hướng tăng lên đồng nghĩa với xuất khẩu hàng khô (cá, tôm, mực), nước mắm, chả cá, đồ hộp cũng sẽ tăng trong thời gian tới.
Từ thực tế biến động thị trường, ông Trương Đình Hòe cho rằng để có thể cạnh tranh với các nước đối thủ (Ấn Độ, Ecuador…) vốn mạnh về sản phẩm sơ chế, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam cần chú trọng điều chỉnh hợp lý cơ cấu sản phẩm xuất khẩu cũng như nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Đơn cử với thị trường Trung Quốc, bên cạnh sản phẩm đông lạnh, doanh nghiệp nên tận dụng lợi thế về vị trí địa lý gần để tăng xuất khẩu tôm, hải sản tươi/sống cho phân khúc nhà hàng, khách sạn, du lịch. Với các thị trường lớn khác như Mỹ, EU, doanh nghiệp cần quan tâm hơn đến xu hướng nhập khẩu hàng cho các siêu thị châu Á (các dòng sản phẩm truyền thống đang hút khách như: hàng khô, nước mắm, mắm ruốc…).
Một vấn đề doanh nghiệp cần lưu ý là người tiêu dùng thế giới đang có xu hướng sử dụng các sản phẩm thủy sản tốt cho sức khỏe, thân thiện môi trường và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Mặc dù đối với xu hướng này, Việt Nam đang có nhiều lợi thế song ngành thủy sản vẫn phải tập trung phát triển theo mô hình kinh tế xanh, chú trọng nuôi trồng bền vững để tạo ra các sản phẩm t sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và tốt cho sức khỏe, được khách hàng thế giới tin dùng. Đồng thời chú trọng chế biến các sản phẩm mới từ các phụ phẩm nhằm nâng cao giá trị gia tăng, từ đó tăng sức cạnh tranh của thủy sản Việt Nam trên trường quốc tế.
Ngọc Lam