Cựu CEO UBS Sergio Ermotti và hành trình quay về “mái nhà xưa”
Rời khỏi UBS Group AG từ năm 2020 sau 9 năm gắn bó, giờ đây cựu CEO Sergio Ermotti đã được mời quay trở lại để gánh lấy trọng trách điều hành ngân hàng 161 năm tuổi và quản lý thương vụ sáp nhập với Credit Suisse được dự báo sẽ rất hỗn loạn.
Trong thời gian đảm nhiệm vai trò CEO của UBS, Sergio Ermotti đã sa thải hàng nghìn nhân sự, thay đổi ưu tiên kinh doanh, tập trung nhiều hơn vào các mảng kinh doanh cốt lõi và biến UBS trở thành định chế tài chính hàng đầu Thụy Sĩ; trong khi đối thủ Credit Suisse liên tiếp gặp bê bối và mắc sai lầm. Đó cũng chính là lý do Sergio Ermotti được mời quay trở lại để chèo lái cả 2 ngân hàng.
Chọn về UBS đồng nghĩa với Sergio Ermotti sẽ phải từ bỏ chiếc ghế Chủ tịch đại gia bảo hiểm Thụy Sĩ Swiss Re. “Đây là một nhiệm vụ cấp bách, đầy thách thức nhưng lại chính là nhiệm vụ cần phải làm. UBS sẽ đánh giá mọi lựa chọn một cách thận trọng khi 2 ngân hàng sáp nhập với nhau” – cựu CEO UBS cho biết khi thông báo việc quay lại.
Thực hiện thành công thương vụ sáp nhập Credit Suisse vào UBS được xem là dự án có tầm quan trọng cấp quốc gia với Thụy Sĩ – một nền kinh tế vốn lấy ngành tài chính làm trụ cột. Ngân hàng sau sáp nhập sẽ là ngân hàng quan trọng tầm cỡ toàn cầu duy nhất của Thụy Sĩ. Ở tuổi 62, Ermotti là trường hợp mới nhất cho việc CEO một tập đoàn lớn quay trở lại với tập đoàn mà mình từng lãnh đạo. Trước đó Robert Iger cũng đã trở lại làm CEO của Walt Disney và Howard Schultz quay về Starbucks.
Sinh ra ở Lugano, Ermotti tham gia vào ngành ngân hàng từ rất sớm và từng có thời gian thực tập tại 1 ngân hàng địa phương trước khi gia nhập Merrill Lynch năm 1987. Tại Merrill Lynch, ông dần leo lên các vị trí quan trọng và trở thành giám đốc bộ phận thị trường cổ phiếu toàn cầu. Sau đó, ông tiếp tục đảm nhiệm vai trò lãnh đạo cấp cao tại một ngân hàng của Ý có tên gọi UniCredit.
Về duyên nợ với UBS, chỉ sau 5 tháng gắn bó, Ermotti bất ngờ được bổ nhiệm làm CEO tạm quyền tại UBS sau khi vị CEO cũ phải từ chức vì để một nhân viên giao dịch lừa đảo làm ngân hàng thiệt hại 2,3 tỷ USD. Hội đồng quản trị UBS đã tin tưởng bổ nhiệm Ermotti – khi đó là người đang phụ trách quản lý mảng kinh doanh tại châu Âu làm tân CEO.
Ít ai biết trước khi được đề bạt vào vị trí CEO, Ermotti là người đứng sau kế hoạch tái cấu trúc có tên gọi Project Accelerate giúp UBS hoạt động tốt hơn trong suốt 1 thập kỷ sau đó. Thực hiện kế hoạch đại cải tổ này, UBS phải thu hẹp mảng ngân hàng đầu tư để tập trung nhiều hơn vào mảnh quản lý tài sản cho giới siêu giàu do không đủ nguồn lực. Trước đó ngân hàng này chịu thiệt hại tới 50 tỷ USD vì chứng khoán và nhiều tài sản khác bị giảm giá trị, buộc phải nhờ tới sự viện trợ của Chính phủ. Cùng với việc cắt bỏ mảng ngân hàng đầu tư, UBS cũng đã sa thải hàng nghìn nhân sự
May mắn là Kế hoạch Project Accelerate đã thành công mỹ mãn, thể hiện qua sự gia tăng lợi nhuận cũng như giá cổ phiếu của UBS; danh tiếng của ngân hàng nhờ đó cũng được khôi phục Do mảng ngân hàng đầu tư bị thu hẹp đáng kể nên UBS không còn tham gia vào lĩnh vực trái phiếu quy mô lớn nữa mà chỉ tập trung cung cấp các dịch vụ tư vấn M&A (mua bán – sáp nhập) và giao dịch cổ phiếu.
Trái ngược với những khởi sắc tại UBS, bức tranh hoạt động của Credit Suisse lại khá ảm đạm. Mặc dù không cần đến sự cứu trợ Chính phủ trong thời kỳ khủng hoảng song Credit Suisse lại chậm thích ứng với với bối cảnh mới tình hình mới; quá trình cải tổ mảng ngân hàng đầu tư tại ngân hàng này lại diễn ra vô cùng chậm chạp. Trong khi UBS đẩy mạnh tái cấu trúc và không ngừng lớn mạnh thì Credit Suisse lại bị cuốn vào vòng xoáy scandal và thua lỗ liên quan đến các khách hàng có rủi ro cao. Từ đó vị thế của 2 ngân hàng trên thị trường tài chính quốc tế và trong con mắt đánh giá của các cổ đông cũng dần thay đổi.
Nếu như thời điểm Ermotti đảm nhiệm vai trò CEO, cả hai ngân hàng đều có quy mô và doanh thu tương đương thì đến năm 2020, doanh thu của UBS đã đạt mốc 32 tỷ USD, trong khi Credit Suisse giảm sâu về 24 tỷ USD.
Khi UBS dần đi vào quỹ đạo ổn định và phát triển, Ermotti cho biết ông muốn đương đầu với những thử thách mới mẻ hơn và ra đi vào năm 2020. Thời điểm này cũng chính là lúc UBS lập kỷ lục kinh doanh tốt nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Mảng ngân hàng đầu tư bùng nổ, dòng tiền bất ngờ từ các khách hàng giàu có và khoản dự phòng nợ xấu thấp bậc nhất châu Âu đã giúp UBS dự trữ được 1,5 tỷ USD để mua lại cổ phiếu.
Trong cuộc họp báo thông báo sự quay về của mình, Ermotti cho biết ông cảm thấy việc quay lại “mái nhà xưa” là nghĩa vụ của mình và UBS chính là mối lương duyên vẫn còn kéo dài. “Miễn là UBS vẫn còn cần tôi, tôi vẫn sẽ cống hiến hết mình cũng như tập trung giải quyết những bất ổn nhanh nhất có thể. Tôi hoàn toàn ý thức được là cần nỗ lực hết sức để tránh mọi hậu quả cho người dân Thụy Sĩ. Tôi cam kết đội ngũ của mình sẽ làm tất cả những gì có thể để thương vụ này thành công, viết nên chương mới cho lịch sử của UBS” – Ermotti khẳng định.
Huệ Nhi