Tăng tuổi nghỉ hưu là giải pháp then chốt để cải cách lương hưu
Nhà kinh tế học người Pháp Philippe Aghion cho biết trong một cuộc phỏng vấn với The Korea Herald vào ngày 24/1 rằng đề xuất gần đây của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về việc tăng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64 được cho là giải pháp tối ưu để giải quyết vấn đề dự trữ lương hưu công sắp cạn kiệt của đất nước. Ông nói: “Cách tốt nhất để đối phó với thâm hụt lương hưu là tăng thời gian bạn dành cho công việc trong đời, và đó là điều mà cuộc cải cách (ở Pháp) dự định thực hiện – tăng số năm làm việc để đạt được trạng thái cân bằng và cân bằng hệ thống vào năm 2030”.
Aghion hiện là giáo sư tại Trường College de France, trường INSEAD và Trường Kinh tế London. Ông cũng từng là giáo sư kinh tế tại Đại học Harvard.
Nhà kinh tế này tin rằng việc tăng tuổi nghỉ hưu không chỉ có thể giải quyết vấn đề bền vững của hệ thống hưu trí mà còn thúc đẩy tỷ lệ việc làm, điều mà ông cho là cực kỳ quan trọng đối với toàn bộ nền kinh tế.
Ông nói: “Cải cách lương hưu này là một cách khác để tăng tỷ lệ việc làm. Chúng ta phải xem cải cách lương hưu này như một phần của chiến lược rộng lớn hơn nhằm tăng tỷ lệ việc làm ở Pháp. Nếu bạn tăng tỷ lệ việc làm, điều đó rất tốt từ quan điểm kinh tế vĩ mô vì nó sẽ làm tăng GDP”.
Giáo sư lập luận rằng một khi tỷ lệ việc làm tăng lên, nó sẽ tạo cơ sở để chính phủ rót tiền vào các lĩnh vực quan trọng của xã hội như giáo dục, y tế và đổi mới.
Tuy nhiên, gói cải cách lương hưu do Tổng thống Pháp Macron thúc đẩy, bao gồm cả việc tăng tuổi nghỉ hưu, đã vấp phải phản ứng dữ dội của công chúng.
Một số công đoàn đang yêu cầu chính phủ Pháp tìm cách khác để tài trợ cho lương hưu nhà nước, chẳng hạn như đánh thuế những người giàu có hoặc tăng đóng góp tiền lương của người sử dụng lao động.
Hơn một triệu người Pháp đã xuống đường biểu tình vào tháng 1, dẫn đến sự gián đoạn giao thông công cộng và trường học, cũng như đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát.
Tình trạng khó khăn của chính phủ Pháp có liên quan đến Hàn Quốc, quốc gia sớm muộn gì cũng phải cải cách hệ thống lương hưu của mình.
Theo nghiên cứu của Mirae Asset Investment và Trung tâm lương hưu năm ngoái, độ tuổi trung bình mà người Hàn Quốc nghỉ hưu từ “công việc chính” của họ – tức công việc họ đã làm lâu nhất – chỉ là 49,3 đối với những người trong độ tuổi từ 55 đến 64.
Vị giáo sư người Pháp nhận thấy khoảng cách này có thể được bù đắp bằng cách cung cấp nhiều cơ hội việc làm hơn cho những người lớn tuổi, đồng thời cho biết thêm rằng vấn đề này cũng là một trong những lý do chính khiến người dân Pháp phản đối mạnh mẽ cải cách của Tổng thống Emmanuel Macron.
Ông nói: “(Cải cách lương hưu của Macron) được coi là không công bằng vì toàn bộ gánh nặng dồn lên vai người lao động chứ không phải người sử dụng lao động”.
Để cung cấp thêm việc làm cho người cao tuổi, ông đề nghị chính phủ cung cấp các ưu đãi mạnh mẽ cho các công ty sử dụng người cao tuổi và áp dụng các biện pháp không khuyến khích như đánh thuế đối với các công ty không hành động như vậy.
Thêm vào đó, giáo sư người Pháp cho biết văn hóa doanh nghiệp có thứ bậc cũng là một vấn đề. Ông nói: “Mối quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới ở Pháp có xu hướng rất căng thẳng– không phải là một mối quan hệ tốt đẹp. Và đó là lý do tại sao mọi người rất mong muốn được nghỉ hưu sớm nhất có thể, bởi vì họ không cảm thấy hạnh phúc trong công việc”. Aghion cũng nói về những thiếu sót của các phương án cải cách lương hưu khác, chẳng hạn như tăng khoản đóng góp của người dân hoặc giảm số tiền mà người hưởng lương hưu nhận được. Ông khẳng định: “Chúng ta có thể tăng đóng góp cho hệ thống lương hưu, nhưng điều đó sẽ làm giảm sức mua của người dân và gây suy thoái cho nền kinh tế. Một khả năng khác là giảm lương hưu, nhưng điều đó cũng sẽ làm giảm tiêu dùng và có tác động suy thoái”.
Vi Hoàng