Ngành dệt may dồn lực cho mục tiêu phát triển bền vững

Để nhìn lại bức tranh ngành dệt may Việt Nam và thế giới trong năm 2022, đồng thời đưa ra dự báo và kế hoạch phát triển ngành năm 2023, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) vừa tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2022 với chủ đề “Vượt qua thách thức – Phát triển bền vững – Hướng tới tương lai”

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Vitas Vũ Đức Giang cho biết năm 2022, dù đối mặt với không ít khó khăn, thách thức song kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may dự kiến vẫn đạt 44 tỷ USD, tăng 8,8% so với năm 2021. Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường đạt giá trị xuất khẩu lớn nhất với hơn 18 tỷ USD, Hàn Quốc là 4,2 tỷ USD, Nhật Bản là 3,9 tỷ USD, Trung Quốc là gần 3,9 tỷ USD…

Đạt được kết quả khả quan trên là nhờ Việt Nam đã mở toang cánh cửa hội nhập với 15 hiệp định thương mại có hiệu lực, tạo nền tảng tạo vững chắc cho đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Ngoài ra không thể không kể đến sự quan tâm hỗ trợ tích cực từ Chính phủ, của các cơ quan, Ban ngành từ Trung ương đến địa phương, các khách hàng và đối tác, đặc biệt là người lao động đã luôn đồng hành giúp cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, vươn tới mục tiêu phát triển bền vững. Bản thân các doanh nghiệp dệt may cũng không ngừng vươn ra tìm kiếm những thị trường mới tiềm năng; chủ động phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi từ sản phẩm dệt may gia công nhiều sang quản trị số, chuỗi cung ứng, tự chủ, bắt kịp xu thế xanh hóa, phát triển bền vững với những loại sợi mới từ cây gai, lông cừu

Tuy nhiên cũng như các ngành công nghiệp khác, ngành dệt may Việt Nam vẫn đang đối mặt với rất nhiều thách thức khi dịch bệnh vẫn chưa chấm dứt, lạm phát toàn cầu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, sức mua toàn cầu giảm mạnh trong khi xung đột Nga – Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Khó khăn chồng chất khó khăn khi các nhãn hàng liên tục đưa ra những đòi hỏi khắt khe như: giảm giá sản xuất, đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh nhưng đòi hỏi chất lượng cao hơn, chuyển đổi sử dụng vải có thành phần sợi tái chế… Thậm chí nhiều nhãn hàng còn đòi hỏi doanh nghiệp phải tuân thủ các chính sách về phát triển bền vững, xanh hóa, tiết kiệm năng lượng, giảm khí thải….

Từ nền tảng thành công đạt được, bước sang năm 2023 ngành dệt may đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt 47- 48 tỷ USD; trường hợp thị trường khó khăn hơn kim ngạch sẽ đạt khoảng 45 – 46 tỷ USD. Để đạt mục tiêu đề ra, toàn ngành sẽ tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp: tiếp tục kêu gọi đầu tư vào chuỗi cung ứng NPL giải quyết phần cung thiếu hụt của ngành; xây dựng các giải pháp bán hàng Fob, ODM…; xây dựng giải pháp phát triển đầu tư công nghệ, tự động hóa, quản trị số và môi trường sản xuất kinh doanh minh bạch bắt kịp xu thế của toàn cầu; đẩy mạnh mục tiêu giải pháp chương trình đầu tư mở rộng, đầu tư chiều sâu đi đôi với bảo vệ môi trường xanh hóa ngành dệt may Việt Nam; tăng cường đào tạo nguồn lực chất lượng đáp ứng nhu cầu phát triển của doanh nghiệp…

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân ghi nhận và đánh giá cao những thành quả ngành dệt may Việt Nam đạt được trong năm 2022. Đặt trong bối cảnh tình hình kinh tế diễn biến phức tạp, lạm phát cao, sức mua toàn cầu giảm và các vấn đề địa chính trị, xung đột vũ trang, thiên tai, dịch bệnh…, con số 44 tỷ USD xuất khẩu của ngành dệt may là rất đáng ghi nhận. Đây là kết tinh của những nỗ lực không ngừng từ phía Chính phủ, Vitas và các doanh nghiệp trong ngành. Trong đó Vitas đã thực hiện rất tốt vai trò đầu mối kết nối với các doanh nghiệp, giữa cộng đồng doanh nghiệp với các bộ ngành và Chính phủ; tăng cường thúc đẩy xuất khẩu, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển hội viên, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, đẩy mạnh chuyển đổi số để phát triển bền vững.

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đề nghị bước sang năm 2023 và những năm tiếp theo, Vitas cần tiếp tục làm tốt vai trò là đầu mối kết nối các doanh nghiệp trong ngành, đồng thời kết nối doanh nghiệp với Chính phủ hướng tới mục tiêu chung phát triển ngành dệt may theo hướng bền vững, hiệu quả. Về phía Bộ Công Thương cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng Vitas và các doanh nghiệp, hỗ trợ tối đa trong việc giải quyết những khó khăn trong thẩm quyền của Bộ, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho sự phát triển của ngành dệt may Việt Nam.

Minh Việt