Tần suất điều tra phòng vệ thương mại của Mỹ đối với hàng Việt Nam ngày càng tăng

Tỷ lệ thuận với kim ngạch xuất khẩu vào Mỹ đang tăng mạnh thì tần suất các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước này đối với hàng hóa của Việt Nam cũng không ngừng gia tăng…

Ông Chu Thắng Trung, Phó cục trưởng Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) chia sẻ thông tin sáng 16/12 tại TP HCM. Ảnh: Linh Đan

Theo thống kê của Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương), tính đến tháng 10/2022 Việt Nam ghi nhận tổng cộng 224 vụ bị các nước áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Trong đó với 43 vụ, Mỹ là quốc gia áp dụng nhiều biện pháp phòng vệ thương mại nhất với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; theo sau là khu vực ASEAN với 42 vụ, Ấn Độ 29 vụ…

Ông Chu Thắng Trung – Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho biết phía Mỹ có hệ thống pháp luật rất chặt chẽ về việc điều tra, áp dụng phòng vệ thương mại. Thông thường biện pháp này đối với những thị trường, những quốc gia mà có lượng hàng hoá xuất khẩu vào Mỹ lớn sẽ thường xuyên gặp phải và Việt Nam là một trong số đó

Thống kê cho thấy trong 11 tháng năm 2022, hàng Việt Nam xuất sang thị trường Mỹ đạt kim ngạch 101 tỷ USD, tăng 17,7% (tương ứng tăng 15,2 tỷ USD) so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu sang Mỹ ngày càng tăng mạnh, một số nhóm hàng bùng nổ doanh số nhiều nguy cơ sẽ trở thành đối tượng bị điều tra phòng vệ thương mại trong thời gian tới.

Trong số các mặt hàng chủ lực Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ thì cá tra, tôm, mật ong là những mặt hàng bị áp thuế chống bán phá giá nhiều nhất. Trong đó có những thời điểm mật ong Việt Nam bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá sơ bộ lên tới 400% song nhờ sự vào cuộc quyết liệt của Bộ Công Thương cùng các Bộ, ngành nên mức áp dụng đã giảm xuống đáng kể chỉ còn 58-62% (tùy doanh nghiệp). Riêng với các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra và tôm của Việt Nam dù không còn bị áp dụng chống bán phá giá song hàng năm Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vẫn tiến hành rà soát các doanh nghiệp này

Dự báo trong thời gian tới các doanh nghiệp Việt Nam sẽ còn đối mặt với nhiều thách thức hơn nữa do Chính phủ Mỹ vẫn áp dụng nhiều biện pháp kiểm soát lạm phát, bảo hộ sản xuất trong nước thông qua các biện pháp phòng vệ thương mại. Để vượt qua những thách thức này trên cơ sở vẫn đảm bảo quan hệ trao đổi thương mại giữa hai nước tiếp tục phát triển bền vững đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sang Mỹ cần phải chủ động nghiên cứu các vụ việc đã có kết luận để chuẩn bị sẵn hồ sơ chứng minh cho các lô hàng xuất khẩu, tránh tình trạng bị áp thuế chống bán phá giá cao.

Ngoài ra để tránh tình trạng hàng hoá của một quốc gia thứ ba “đội lốt” hàng Việt Nam nhằm lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại của Mỹ, các doanh nghiệp Việt cũng cần cân nhắc các rủi ro về phòng vệ thương mại khi xây dựng chiến lược sản xuất kinh doanh, xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Thay vì cạnh tranh bằng giá, các doanh nghiệp nên chuyển sang cạnh tranh bằng chất lượng góp phần tăng tỷ lệ nội địa hoá, nâng cao giá trị gia tăng tại Việt Nam.

Trong khi các nước tăng cường áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với hàng nhập khẩu thì cơ quan chức năng của Việt Nam cũng đang đẩy mạnh các biện pháp bảo hộ sản phẩm trong nước. Thống kê của Cục Phòng vệ Thương mại cho thấy tính đến tháng 10/2022, Việt Nam đã áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại 22 vụ việc gồm: 16 vụ điều tra chống bán phá giá, 6 vụ điều tra tự vệ, 2 vụ điều tra chống lẩn tránh thuế, 1 vụ điều tra chống trợ cấp.

Gần đây nhất tháng 8/2022, Việt Nam áp dụng biện pháp chống lẩn tránh phòng vệ thương mại với một số sản phẩm đường mía Thái Lan, hay áp dụng biện pháp chống bán phá giá với một số sản phẩm vật liệu hàn, áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời với một số sản phẩm bàn ghế nội thất từ Trung Quốc….

Như Mây