Apple tìm kiếm mở rộng sản xuất ra ngoài Trung Quốc
Khung cảnh hỗn loạn nổ ra tại nhà máy lớn của nhà cung cấp Apple Foxconn ở Trịnh Châu của Trung Quốc vào tháng trước khi các công nhân, vốn tức giận vì các biện pháp cách ly COVID-19 và không được trả lương, đã xô xát với nhân viên an ninh.
Các cuộc biểu tình chưa từng có tại “Thành phố iPhone” đã gây ra sự chậm trễ đáng kể đối với các mẫu iPhone mới nhất vào cuối năm – mùa bán hàng bận rộn nhất của Apple – gây rủi ro cho chuỗi tăng trưởng 14 quý của hãng. Đối với Apple, công ty sản xuất khoảng 90% sản phẩm tại Trung Quốc, không có biện pháp khắc phục dễ dàng nào.
Shehzad Qazi, giám đốc điều hành công ty tư vấn China Beige Book, nói với Al Jazeera: “Điều này không thể khắc phục trong thời gian ngắn, bạn không thể xây dựng các thành phố iPhone dễ dàng như ở các khu vực khác của châu Á. Chuỗi cung ứng của các công ty như Apple cực kỳ dễ bị tổn thương vì họ hầu như chỉ tập trung ở Trung Quốc”.
Cuộc khủng hoảng đã nhấn mạnh chi phí hoạt động ngày càng tăng trong chiến lược “Không COVID” của Trung Quốc – chiến lược mà Bắc Kinh đang cố gắng tháo gỡ sau gần ba năm đóng cửa và kiểm soát biên giới – và càng khiến gã khổng lồ công nghệ phải khẩn trương điều hướng lại chuỗi cung ứng của mình.
Tờ Wall Street Journal đưa tin hồi đầu tháng này rằng Apple đang đẩy nhanh kế hoạch sản xuất nhiều sản phẩm mới của mình ở những nơi khác, đặc biệt là ở Việt Nam và Ấn Độ.
Vị trí thống trị của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng của Apple đã dần suy yếu trong những năm gần đây. Cho đến năm 2019, Trung Quốc là địa điểm chính của khoảng 44-47% địa điểm sản xuất của các nhà cung cấp cho Apple. Thị phần của Trung Quốc giảm xuống 41% vào năm 2020 và sau đó là 36% vào năm 2021.
JPMorgan đã ước tính Apple có thể sản xuất 25% tổng số iPhone ở Ấn Độ vào năm 2025.
Xu hướng này đã làm dấy lên những gợi ý rằng khoản đầu tư của Apple vào Trung Quốc có thể đã đạt đến đỉnh điểm. Tuy nhiên, bất chấp việc chuyển đổi sản xuất, sự hiện diện sâu rộng của Apple tại quốc gia này, nơi vẫn diễn ra ít nhất 95% tổng số hoạt động sản xuất iPhone, có thể khiến việc đa dạng hóa trở thành một thách thức.
Một cựu giám đốc điều hành của Apple từng làm việc tại Trung Quốc nói với Al Jazeera với điều kiện giấu tên: |Apple sẽ không rời khỏi Trung Quốc. Mô hình kinh doanh của Apple là buộc các nhà cung cấp phải cạnh tranh với nhau để tránh trở nên quá phụ thuộc vào bất kỳ nhà cung cấp nào”.
Apple dường như đang dựa nhiều hơn vào chiến lược đó để giảm thiểu rủi ro chuỗi cung ứng.
Bên cạnh việc đa dạng hóa sản xuất sang Việt Nam và Ấn Độ, Apple cũng có kế hoạch ký hợp đồng với nhiều nhà cung cấp hơn ở Trung Quốc.
Ngoài các hạn chế COVID-19 nghiêm ngặt của Bắc Kinh, những hạn chế mới của Washington ngăn cản các công ty Mỹ làm ăn với những công ty sáng tạo nhất trong hệ sinh thái công nghệ của Trung Quốc cũng làm phức tạp vấn đề.
Sau nhiều năm tận hưởng sự ổn định giữa Mỹ và Trung Quốc, giờ đây Apple phải điều hướng cuộc cạnh tranh địa chính trị ngày càng gay gắt giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Việt Anh