Sẽ nghiên cứu giảm lãi suất ở một số lĩnh vực ưu tiên…
Đây là khẳng định của Phó thống đốc Đào Minh Tú sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành các quyết định điều chỉnh tăng loạt lãi suất điều hành (trần lãi suất huy động, lãi suất tái chiết khấu, tái cấp vốn…) kể từ ngày 23/9.
Cụ thể ông Tú cho biết tăng lãi suất điều hành là yêu cầu bất khả kháng nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn trước việc tăng lãi suất của Mỹ, các nước châu Âu và các nước khác. Đổi lại Ngân hàng Nhà nước sẽ nghiên cứu giảm lãi suất ở một số lĩnh vực ưu tiên; đồng thời tích cực kêu gọi, vận động các tổ chức tín dụng tiếp tục đổi mới công nghệ, tăng năng lực quản trị, tiết giảm chi phí, nghiên cứu giảm lãi suất ở một số đối tượng, lĩnh vực phục vụ sản xuất kinh doanh để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi kinh tế sau dịch
Có thể thấy việc tăng lãi suất huy động sẽ giúp giảm bớt căng thẳng về thanh khoản, nhất là trong bối cảnh các ngân hàng đều đang “khát” vốn giai đoạn nước rút cuối năm. Ngay sau các quyết định điều chỉnh tăng loạt lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại cũng đã chính thức công bố mức lãi suất huy động mới với biên độ tăng tương ứng.
Tuy nhiên ở chiều ngược lại, khi chi phí đầu vào tăng lên, lãi suất cho vay cũng có sự biến động; mặt bằng cho vay nhiều nhà băng theo đó cũng được điều chỉnh tương ứng. Thực tế này có phần đi ngược với cam kết giảm lãi suất cho vay trong giai đoạn 2022-2023 của Ngân hàng Nhà nước hồi đầu năm
Xoay quanh vấn đề này, Phó Vụ trưởng Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) Phạm Chí Quang cho biết việc các nền kinh tế lớn trên thế giới đồng loạt tăng lãi suất đã tạo áp lực lớn lên công tác điều hành chính sách, đặc biệt là với hai chỉ tiêu lãi suất và tỷ giá.
Mới đây quyết định tăng lãi suất thêm 0,75% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã đẩy đồng USD tăng giá, dẫn tới những xáo trộn lớn về mặt bằng tỷ giá. Cục diện này buộc Ngân hàng trung ương các nước phải tăng lãi suất điều hành để đảm bảo tỷ giá không bị ảnh hưởng quá lớn và Việt Nam cũng không ngoại lệ. “Với nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã cố gắng duy trì ổn định cả tỷ giá và lãi suất song ổn định ở đây không có nghĩa là cố định. Đặt trong bối cảnh mặt bằng lãi suất thế giới thay đổi mà chúng ta lại giữ lãi suất cố định quá lâu vô hình chung sẽ gây khó khăn cho công tác điều hành. Đó cũng là lý do cơ quan quản lý điều chỉnh tăng lãi suất, một phần để giảm áp lực với tỷ giá” – ông Quang lý giải.
Còn theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 khoảng 6-6,5% và lạm phát khoảng 4% của Quốc hội, Chính phủ; Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. “Đặt trong bối cảnh hiện nay, việc cơ quan điều hành quyết định tăng lãi suất là hoàn toàn phù hợp nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, tiến tới ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng. Kiểm soát lạm phát là yêu cầu cao nhất từ nay đến cuối năm nên Ngân hàng Nhà nước vẫn duy trì mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14%” – ông Tú cho hay.
Huy Hoàng