Giá cua ghẹ Việt Nam xuất khẩu liên tục lập đỉnh

Thời gian gần đây, giá cua ghẹ Việt Nam tăng mạnh do các thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ, Nhật đua tăng nhập khẩu mặt hàng này.

Cua loại 1 tại vuông nuôi ở Cà Mau. Ảnh: Chí Lâm

Thông tin từ một số cửa hàng, do thương lái thu gom xuất khẩu hết nên một tháng nay trên thị trường rất khan hiếm các loại cua ghẹ kích cỡ lớn trên 500 gram/con. Anh Hoàng chuyên bán đặc sản Cà Mau cho biết hiện giá cua tại vuông nuôi đã tăng 20% so với tháng trước, khoảng từ 400.000-600.000 đồng/kg. Giá cao, khách vẫn liên tục hỏi mua loại cua hai con một kg nhưng anh vẫn không gom được hàng để bán.

Khảo sát tại các cửa hàng hải sản trên địa bàn Tp.HCM, có thể  thấy giá cua thịt loại hai con một kg được bán lẻ đến 900.000 đồng – mức giá cao nhất từ đầu năm 2022 đến nay.

Không chỉ cua mà mặt hàng ghẹ cũng rất hiếm đẩy giá cua và ghẹ tăng mạnh. Anh Thái – chủ cửa hàng hải sản trên đường Phạm Văn Chiêu (Gò Vấp) cho biết ghẹ xanh loại 3-5 con/kg đang rất khan hàng. Mỗi ngày cửa hàng của anh Thái chỉ nhập được 3-5 kg với giá bán lẻ lên đến 800.000 đồng/kg. Theo lý giải của anh Thái, giá cua ghẹ tăng mạnh chủ yếu do nguồn cung giảm, trong khi các thị trường lớn lại tăng nhập khẩu mặt hàng này. Đặc biệt các dòng cua ghẹ có kích cỡ lớn đều được ưu tiên xuất khẩu nên thị trường trong nước khá khan hàng.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), tính đến ngày 15/7/2022 xuất khẩu cua ghẹ đạt 111 triệu USD, tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái. Bốn thị trường đơn lẻ nhập khẩu nhiều nhất cua ghẹ của Việt Nam bao gồm Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Pháp, chiếm hơn 92% tổng giá trị nhập khẩu; trong đó Mỹ là thị trường nhập khẩu cua ghẹ lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt trên 38 triệu USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 34% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này. Sở dĩ nhu cầu tiêu thụ cua ghẹ ở Mỹ mạnh là do quốc gia này đã mở cửa hoàn toàn trở lại.

Sau Mỹ là Trung Quốc với kim ngạch đạt 37 triệu USD, tăng 76% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 33% tổng kim ngạch xuất khẩu của ghẹ của Việt Nam. Xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng tốt trong quý II/2022 nhưng đã chậm lại, dù các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã thích nghi tốt với chính sách “Zero Covid” của thị trường Trung Quốc.

Ở vị trí thứ ba là Nhật Bản với kim ngạch xuất khẩu cua ghẹ sang thị trường này (tính tới 15/7/2022) đạt trên 24 triệu USD, tăng 51% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 21%. Nhật Bản hiện vẫn là nước nhập khẩu nhiều nhất cua ghẹ của Việt Nam trong khối thị trường tham gia hiệp định CPTPP, đồng thời là thị trường duy trì được sự tăng trưởng liên tục trong 6 tháng đầu năm 2022.

Ở vị trí thứ tư là Pháp với kim ngạch xuất khẩu cua ghẹ đạt trên 3 triệu USD, tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện Pháp cũng là quốc gia dẫn đầu trong khối EU về nhập khẩu cua ghẹ Việt Nam

Theo VASEP, việc thế giới ngày càng chuộng cua ghẹ của Việt Nam đã đẩy kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này tăng mạnh các thị trường dẫn đầu. Chưa kể Mỹ, Trung Quốc, Pháp cũng đã mở cửa hoàn toàn trở lại sau 3 năm chịu tác động của đại dịch Covid-19 nên hoạt động xuất khẩu được thuận lợi hơn. VASEP dự báo trong những tháng còn lại của năm, với các dịp lễ lớn kéo dài như Noel, Tết Nguyên Đán…sẽ đẩy giá cua xuất khẩu tăng mạnh kéo giá trị xuất khẩu tăng theo.

Quang Thành