Gia tăng phòng vệ thương mại trong lĩnh vực dệt may và các khuyến nghị cho doanh nghiệp
Những năm gần đây dù tình hình kinh tế thế giới và trong nước liên tục biến động song ngành Dệt may Việt Nam vẫn đứng vững và tiếp tục phát triển mạnh mẽ, ngày càng khẳng định vai trò động lực tăng trưởng của nền kinh tế và ngự ở vị trí thứ 3 trong Top các quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất trên thế giới. Tuy nhiên thách thức hiện nay là xu hướng bảo hộ thương mại đang tăng mạnh ở các thị trường xuất khẩu, kéo theo đó là sự gia tăng các vụ việc phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, chống lẩn tránh thuế) đối với hàng dệt may xuất khẩu Việt Nam
Ông Phùng Gia Đức – Phó Trưởng phòng Xử lý phòng vệ thương mại nước ngoài, Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết tính đến tháng 7/2022 đã có 214 vụ việc nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có 22 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại với hàng dệt may (12 vụ việc điều tra chống bán phá giá, 3 vụ việc điều tra chống trợ cấp, 1 vụ việc điều tra chống lẩn tranh, 6 vụ việc tự vệ), tập trung vào thị trường như Hoa Kỳ, châu Âu, Ấn Độ… Nổi bật có thể kể đến vụ việc Ấn Độ điều tra chống bán phá giá với sản phẩm xơ sợi staple nhân tạo và sợi spun polyeste của Việt Nam; Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá với sản phẩm sợi polyester và Thổ Nhỹ Kỳ điều tra tự vệ sản phẩm sợi từ polyeste của Việt Nam.
Theo ông Đức, sở dĩ các vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng dệt may xuất khẩu có chiều hướng gia tăng là do Việt Nam đã vươn lên đứng vị trí thứ 3 trong Top các quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất trên thế giới, chiếm 6,4% thị phần toàn cầu (chỉ sau Trung Quốc). Tỷ lệ thuận với sự gia tăng mạnh mẽ kim ngạch xuất khẩu thì nguy cơ bị kiện, điều tra và bị áp phòng vệ thương mại đối với hàng dệt may Việt Nam càng lớn.
Để tránh nguy cơ bị áp thuế phòng vệ thương mại, Cục Phòng vệ Thương mại khuyến nghị các doanh nghiệp dệt may trong nước cần cập nhật thông tin từ đối tác nhập khẩu về tình hình thị trường, đặc biệt là các động thái khởi xướng vụ việc phòng vệ thương mại. Chú trọng chuẩn hóa, minh bạch hệ thống quản trị, lưu trữ giấy tờ, tài liệu, kiểm soát lượng và giá xuất khẩu, sẵn sàng các đầu mối trợ giúp khi có vụ việc diễn ra.
Ngoài ra các doanh nghiệp dệt may cũng nên có bộ phận pháp chế, luật sư có chuyên môn về phòng vệ thương mại để hỗ trợ, tư vấn kịp thời, tránh những rủi ro về sau. Khi bị khởi kiện phòng vệ thương mại, các doanh nghiệp phải tham gia hợp tác đầy đủ, toàn diện để tự chứng minh và giảm thiểu thiệt hại nếu bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.
Về phía Bộ Công Thương, Cục Phòng vệ Thương mại chú trọng tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật để nâng cao nhận thức, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong việc sử dụng công cụ phòng vệ thương mại và ứng phó với các vụ kiện của nước ngoài; cảnh báo sớm nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại để giúp doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó; duy trì liên lạc với cơ quan điều tra phòng vệ thương mại của nhiều nước, các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, hiệp hội và doanh nghiệp để cung cấp thông tin cập nhật giúp doanh nghiệp nắm được diễn biến vụ việc.
Song song đó Cục cũng tích cực tư vấn pháp lý, quy trình thủ tục điều tra, quy định, thông lệ điều tra của nước khởi kiện và đưa ra các khuyến nghị, hướng xử lý cụ thể cho doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp bày tỏ quan điểm, phản bác các lập luận thiếu căn cứ; cung cấp thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình xử lý vụ việc…
Hoàng Quý