Cổ phiếu Alibaba trượt giá sau đe dọa bị hủy niêm yết tại Mỹ
Cổ phiếu của Alibaba giảm sau khi các nhà quản lý Mỹ thêm cổ phiếu này vào danh sách các công ty Trung Quốc có thể bị loại khỏi Phố Wall nếu các kiểm toán viên Mỹ không thể kiểm tra báo cáo tài chính của họ.
Cổ phiếu Alibaba đã giảm tới 6% tại Hồng Kông vào sáng thứ Hai, nhưng sau đó mức lỗ chỉ còn 3,8% vào buổi chiều.
Hôm thứ Sáu, cổ phiếu niêm yết tại Mỹ của Alibaba đã giảm 11% sau khi Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch đưa công ty vào danh sách theo dõi.
Các nhà đầu tư đã lo ngại về gã khổng lồ công nghệ trong nhiều năm nay. Cuối năm 2020, Alibaba vướng vào một cuộc trấn áp sâu rộng ở Trung Quốc nhằm vào lĩnh vực công nghệ đang bùng nổ của đất nước. Cổ phiếu đã giảm gần 70% so với mức cao nhất trong lịch sử.
Cuộc trấn áp này, cùng với nền kinh tế suy yếu, đã làm chậm tốc độ tăng trưởng doanh thu của nhiều công ty công nghệ và xóa sổ hàng tỷ đô la khỏi vốn hóa thị trường của các công ty Trung Quốc.
Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) có quyền loại các công ty khỏi Phố Wall nếu họ không cho phép các cơ quan giám sát của Mỹ rà soát các cuộc kiểm toán tài chính của họ trong ba năm liên tiếp.
Trong nhiều năm, Trung Quốc đã từ chối các cuộc kiểm toán của Mỹ đối với các công ty của họ, với lý do lo ngại về an ninh quốc gia. Họ yêu cầu các công ty giao dịch ở nước ngoài phải giữ giấy tờ kiểm toán của họ ở Trung Quốc đại lục, nơi mà các cơ quan nước ngoài không thể kiểm tra chúng.
Cho đến nay, SEC đã thêm hơn 150 công ty vào danh sách theo dõi của mình, bao gồm Didi, JD.com, Baidu và Yum China Holdings.
Hôm thứ Hai, Alibaba cho biết họ sẽ theo dõi diễn biến thị trường và “cố gắng duy trì trạng thái niêm yết trên cả NYSE và Sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông”.
Tuần trước, công ty thông báo sẽ tìm kiếm niêm yết chính trên thị trường chứng khoán Hồng Kông, một động thái được nhiều nhà phân tích coi là chuẩn bị cho khả năng mất quyền tiếp cận trực tiếp với thị trường vốn của Mỹ.
Hiện tại, Alibaba đã niêm yết thứ cấp trên sàn chứng khoán Hồng Kông.
Các nhà phân tích của Goldman Sachs cho biết trong một báo cáo: “Tình trạng niêm yết chính ở Hồng Kông mang lại cho ADR của Trung Quốc (Cổ phiếu lưu ký của Mỹ) lựa chọn để đa dạng hóa rủi ro niêm yết và duy trì quyền tiếp cận vào thị trường cổ phiếu đại chúng” nếu họ buộc phải rời khỏi Mỹ.
Trong khi đó, các nhà phân tích của Citi nhận định rằng về việc chuyển đổi trạng thái niêm yết một cách suôn sẻ cũng có thể “mở đường” cho nhiều ADR Trung Quốc khác theo đuổi một chuyển đổi tương tự.
Tiến Nam