Ùn ứ nông sản kéo dài tại cửa khẩu, doanh nghiệp khóc ròng…
Bất chấp nỗ lực của cơ quan quản lý, tình trạng ùn ứ nông sản kéo dài từ cuối năm 2021 sang đầu năm 2022 khiến nhiều doanh nghiệp vận tải, xuất nhập khẩu gánh chịu thiệt hại nặng nề.
Khó chồng khó
Tính đến ngày 13/2/2022, tổng lượng xe chờ xuất khẩu tại 3 khu vực cửa khẩu chính của tỉnh Lạng Sơn (Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma) là 1.815 xe, chỉ giảm 36 xe so với một ngày trước đó. 90% trong số này là xe chở hoa quả tươi từ các tỉnh phía Nam, xuất khẩu bằng đường bộ sang Trung Quốc.
Lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn cho biết ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, 4 cửa khẩu trên địa bàn tỉnh gồm các cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, ga đường sắt Quốc tế Đồng Đăng, Tân Thanh, Chi Ma đã thực hiện thông quan hàng hóa trở lại. Trong đó, cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu Tân Thanh đã thông quan hàng hóa xuất khẩu từ ngày 3/2/2022. Tuy nhiên, thời điểm này Trung Quốc vẫn tăng cường các biện pháp kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 và kiểm soát chặt chất lượng hàng hóa nhập khẩu nên hiệu suất thông quan tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn hiện vẫn rất chậm, khoảng 70-80 xe/ngày, chỉ bằng 1/6 so với nhu cầu xuất hàng sang Trung Quốc.
Trong khi đó lượng phương tiện chở hàng hóa xuất khẩu từ nội địa lên khu vực cửa khẩu chờ xuất có xu hướng gia tăng, trung bình mỗi ngày có khoảng 100-200 xe hàng (chủ yếu là hàng nông sản) được các chủ hàng, doanh nghiệp đưa lên cửa khẩu. Theo tính toán của các cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn, với năng lực thông quan hạn chế như hiện nay thì phải mất từ 10-15 ngày mới có thể thông quan hết số xe ùn ứ.
Tuần trước, Sở Công Thương Lạng Sơn cũng đã phát đi thông báo kể từ ngày 16 – 25/2/2022 sẽ dừng tiếp nhận phương tiện chở hàng hoa quả tươi lên cửa khẩu đường bộ để xuất sang Trung Quốc. Tuy nhiên do phía Trung Quốc vẫn duy trì chiến lược “Zero Covid” nên các biện pháp phòng chống dịch đối với các lái xe và xe hàng đều được siết chặt dự báo sẽ tiếp tục gây cản trở quá trình thông xe sang nước bạn trong thời gian tới.
Sớm gỡ “nút thắt”
Trước tình cảnh ùn ứ kéo dài tại các cửa khẩu biên giới, các ngành hàng, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đang tính toán lại phương án đưa hàng sang Trung Quốc. Ông Đặng Hoàng Giang – Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho biết rút kinh nghiệm từ các đợt trước, lần này Hiệp hội cũng đã thông báo sớm để các doanh nghiệp ngừng ý định mang hàng lên cửa khẩu và chuyển hướng sang tiêu thụ tại thị trường nội địa
Ông Huỳnh Ngọc Có – Giám đốc Công ty Cổ phần Khoai lang Nhật Thành cho biết bên cạnh việc ngưng hết các đơn hàng đường bộ, đơn vị cũng đang nghiên cứu lại thị trường và lên các phương án cụ thể để xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc một cách bài bản, lâu bền và hiệu quả hơn. “Để làm được điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải phối hợp chặt chẽ cùng bà con nông dân để cải tiến cách thức trồng khoai lang. Thay vì trồng ồ ạt vào một vụ thì năm nay phải trồng gối đầu, rải vụ với số lượng mỗi vụ thấp hơn so với mọi năm. Riêng với mít, người dân đang canh tác nhiều nhưng chúng tôi cũng đã thông báo và hướng dẫn kỹ thuật, đề nghị được cấp các mã vùng trồng theo quy hoạch để xuất khẩu đáp ứng các tiêu chí mới của phía Trung Quốc. Việc tổ chức sản xuất theo hướng chuyên nghiệp, khoa học sẽ giúp nâng cao hiệu quả xuất khẩu sang nước bạn. Bên cạnh đường bộ, chúng tôi cũng đang tích cực phối hợp với các đối tác để xuất khẩu bằng đường biển không chỉ với Trung Quốc mà còn với nhiều thị trường tiềm năng khác trên thế giới” – ông Có khẳng định.
Còn theo lãnh đạo một doanh nghiệp có hơn 30 năm kinh nghiệm làm ăn với Trung Quốc, tình trạng ùn ứ ở các cửa khẩu sẽ khó cải thiện nếu Trung Quốc vẫn theo đuổi mục tiêu “zero Covid”. Chính vì vậy yêu cầu cấp thiết lúc này là các cấp lãnh đạo cao cấp nhất của hai nước Việt – Trung nên cùng ngồi lại để đàm phán và tìm giải pháp hữu hiệu tháo gỡ nút thắt này.
Quang Anh