Việt Nam và triển vọng trở thành nền kinh tế số lớn thứ hai Đông Nam Á

Với tiềm năng tăng trưởng dồi dào, ngành thương mại điện tử của Việt Nam đang thu hút sự quan tâm của nhiều “ông lớn” công nghệ trên thế giới.

Tài xế giao hàng của Shopee (màu cam bên trái) và Lazada (màu xanh bên phải) chờ khách nhận hàng hôm 16/11 trên đường Cao Bá Quát, quận 1, TP HCM. Ảnh: Viễn Thông

Đầu tháng 11, sự kiện sàn thương mại điện tử Tiki hoàn tất vòng gọi vốn đầu tư thứ 5 với 258 triệu USD đã góp phần đưa Việt Nam trở thành tâm điểm thu hút hàng đầu của dòng vốn đổ vào kinh tế số ở Đông Nam Á.

Báo cáo “SYNC Southeast Asia” mô tả Đông Nam Á là khu vực dẫn đầu về chuyển đổi số ở châu Á – Thái Bình Dương và Việt Nam là một trong những quốc gia tăng trưởng mạnh mẽ nhất tại khu vực này. Bất chấp tác động của đại dịch Covid – 19, dòng vốn FDI vẫn tiếp tục chảy vào Việt Nam, trong đó vốn đầu tư vào các dịch vụ kỹ thuật số có sự tăng trưởng mạnh như: thương mại điện tử, công nghệ tài chính, công nghệ y tế và công nghệ giáo dục.

Không phải ngẫu nhiên mà nền kinh tế số Việt Nam nói chung – lĩnh vực thương mại điện tử nói riêng lại có sức hút mạnh mẽ như vậy đối các “ông lớn” công nghệ. Theo Jikwang Chung – Giám đốc Mirae Asset Capital, họ nhận thấy tiềm năng rất lớn của nền kinh tế Việt Nam cũng như quá trình chuyển đổi số và sự tăng trưởng của ngành thương mại điện tử.

Còn theo báo cáo “e-Economy SEA 2021” vừa được Google, Temasek và Bain & Co công bố, năm 2021 thị trường thương mại điện tử Việt Nam đứng thứ tư tại Đông Nam Á với quy mô 13 tỷ USD. Nhiều khả năng vào năm 2025, Việt Nam sẽ vươn lên vị trí thứ hai của khu vực với quy mô thị trường đạt 39 tỷ USD; đẩy Thái Lan xuống vị trí thứ 3 với quy mô thị trường dự báo 35 tỷ USD và Malaysia sẽ rớt từ vị trí thứ 3 hiện tại xuống vị trí thứ 5 khu vực.

Câu hỏi đặt ra ở đây là căn cứ vào đâu mà các dự báo về thương mại điện tử ở Việt Nam lại lạc quan đến vậy? Yếu tố đầu tiên là dư địa tăng trưởng và ngành thương mại điện tử Việt Nam được nhận định là còn rất nhiều dư địa để phát triển nhờ vào quy mô người tiêu dùng khá lớn. Theo “e-Economy SEA 2021”, từ khi bắt đầu đại dịch đến nửa đầu năm 2021, Việt Nam đã có thêm 8 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số mới; còn Thái Lan có thêm 9 triệu người. Người tiêu dùng kỹ thuật số trước đại dịch trung bình đã sử dụng thêm bốn dịch vụ kỹ thuật số kể từ khi đại dịch bắt đầu. Ngoài ra theo kết quả khảo sát, 99% người tiêu dùng kỹ thuật số Việt Nam có ý định tiếp tục sử dụng các dịch vụ trực tuyến trong tương lai phần nào cho thấy mức độ gắn bó  rất cao với các dịch vụ kỹ, sản phẩm thuật số của người dùng Việt Nam.

Yếu tố thứ hai là mức độ sôi động của thị trường vốn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: niềm yêu thích công nghệ của người Việt, độ phong phú của các nền tảng tham gia, giãn cách xã hội vì Covid-19 cũng góp phần tăng tốc cho thương mại điện tử. Báo cáo quý III do iPrice Group công bố hôm 25/11 cho thấy trong quý III/2021 tổng lượt truy cập trung bình Top 10 trang thương mại điện tử Việt Nam đã gấp hai lần Thái Lan và gần ba lần Malaysia. Đó là chưa kể trong khu vực, người Việt chỉ kém người Malaysia về mức độ tương tác qua Facebook với các trang thương mại điện tử, với tỷ lệ là 36% so với 44%. Trong khi đó người Thái thấp nhất khu vực về việc tương tác này (20%). Còn Napoleon Cat cho biết 81% dân số Việt Nam có Facebook, tính đến tháng 10/2021. Điều này cho thấy độ sôi động rất cao của thị trường Việt Nam và thành công của các trang thương mại điện tử như Shopee, Lazda, Tiki hay Society Pass (Sopa) được xem là minh chứng thuyết phục nhất.

Yếu tố thứ ba là tốc độ tăng trưởng của ngành. Theo Google và Temasek, tốc độ tăng trưởng kép hàng năm của thương mại điện tử Việt Nam trong giai đoạn 2021-2025 đạt 35% – cao nhất khu vực; Indonesia là 18%, Thái Lan 14% và Malaysia là 8%. Với tốc độ phát triển như vũ bão cùng tiềm năng tăng trưởng vô cùng lớn, Việt Nam đã và đang trở thành một trong những ngôi sao trong thị trường thương mại điện tử khu vực Đông Nam Á.

Ngoài ra sức bật mạnh mẽ của ngành thương mại điện tử Việt Nam còn bộc lộ cả ở những phần chưa thể thống kê hết. Theo Google, Temasek và Bain & Co, số liệu từ báo cáo “e-Economy SEA 2021” chỉ tính toán được quy mô của “thương mại điện tử chính thức”, tức giao dịch được ghi nhận thông qua những nền tảng bán lẻ trực tuyến chuyên nghiệp. Trong khi đó, người dùng còn tự trao đổi, mua bán trực tiếp thông qua các cộng đồng, nhóm trò chuyện, trang cá nhân trên mạng xã hội hay ứng dụng nhắn tin (gọi chung là “thương mại điện tử không chính thức”). “Thương mại điện tử không chính thức tồn tại trên khắp Đông Nam Á và đặc biệt phổ biến ở Thái Lan và Việt Nam. Tuy nhiên, về bản chất thì “phần chìm của tảng băng” này được đánh giá là khó định lượng” – “e-Economy SEA 2021” nhận định.

Ngọc Hồi