Sản lượng cá trên toàn cầu đang suy giảm ở mức đáng báo động

Đây là lời cảnh báo trong nghiên cứu của Tổ chức Minderoo (Úc). Điều quan trọng là dự trữ cá toàn cầu cạn kiệt có thể đe dọa đến sự bền vững an ninh lương thực và gây thiệt hại hàng tỷ USD vào năm 2100.

Cá ngừ đại dương được tàu cá Đà Nẵng đánh bắt hồi tháng 10/2021. Ảnh: Nguyễn Đông

Nghiên cứu của Tổ chức Minderoo cho thấy có đến 49% đàn cá trên thế giới đang bị khai thác quá mức và chỉ còn lại dưới 40% ngư trường chưa đánh bắt. tỷ lệ cạn kiệt đàn cá này tệ hơn nhiều so với dự báo chỉ khoảng 30% trước đó. Như vậy 1/10 trữ lượng cá trên toàn thế giới đang trên đà cạn kiệt. Trữ lượng của đàn cá thuộc nhóm bị đe dọa này chỉ còn 10% so với ban đầu.

Còn thống kê mới nhất của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) cho thấy trữ lượng cá toàn cầu đang bị khai thác quá mức ước tính lên tới con số 34,2%, tăng gấp ba lần so với năm 1974 – thời điểm FAO bắt đầu đánh giá và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Dựa trên tiến độ khôi phục nguồn cá cũng như năng lực quản lý việc đánh bắt, khai thác ở mỗi nước, Tổ chức Minderoo đã thực hiện cho điểm các quốc gia, trong đó A là điểm cao nhất kéo xuống đến F là điểm thấp nhất. Kết quả không có quốc gia đạt điểm A, B; điểm cao nhất là C thuộc về Chile, Iceland, Ireland, Latvia, Na Uy, Mỹ do các quốc gia này đã xây dựng được hệ thống quản lý khai thác cá tốt. Tuy nhiên Minderoo cũng khuyến nghị các quốc gia này không nên lơ là mà cần phải nỗ lực hơn nữa cũng như đa dạng hóa các nguồn cung khác để đạt được các mục tiêu bền vững toàn cầu.

Trong số 20 quốc gia nhận điểm F (Úc, Trung Quốc, Indonesia, Nhật Bản, Peru, Nga, Việt Nam…) đều có điểm chung là gần như tất cả ngư trường ở các nước này đều không được kiểm soát tốt hoặc đang trong tình trạng khai thác quá mức. Nếu không chấn chỉnh kịp thời và sớm có những đổi mới trong công tác quản lý, các nước nhận điểm F sẽ có rất ít triển vọng tăng trưởng đàn cá, từ đó khó cải thiện điểm số của mình

Cũng xoay quanh vấn đề dự trữ cá toàn cầu, nghiên cứu mới đây của Đại học British Columbia và Quỹ ADM Capital cho biết với trữ lượng dồi dào, biển Đông và biển Hoa Đông là hai vùng đánh cá quan trọng bậc nhất khu vực Tây Thái Bình Dương, có khả năng tạo ra nguồn lợi nuôi sống hàng triệu người và mang lại kim ngạch thương mại vào khoảng 100 tỷ USD/năm. Vấn đề cần lưu ý ở đây là nếu các nước không hành động quyết liệt để đối phó với nạn đánh cá tận diệt và tác động từ biến đổi khí hậu thì chỉ 10 năm nữa thôi, nguồn tài nguyên cá ở khu vực biển Đông sẽ phải đối mặt với nguy cơ cạn kiệt; những loài cá có giá trị thương mại chính có thể giảm tới 90%.

Đến năm 2100, thiệt hại do thiếu hụt nguồn cung cá biển vào khoảng 11,5 tỷ USD/năm. Kể cả trong kịch bản khả quan nhất, khi lượng khí thải nhà kính được kiểm soát ở mức cho phép và các hoạt động đánh bắt cá giảm khoảng 50% thì nguồn hải sản ở biển Đông vẫn sụt giảm 22% về số lượng các nguồn cá có giá trị thương mại chính, tương đương với mức giảm doanh thu khoảng 6,7 tỉ USD vào năm 2100.

Theo các chuyên gia, nỗ lực giảm sản lượng đánh bắt cá trong 10 năm đầu sẽ tạo hiệu ứng tích cực lên công cuộc hồi phục tài nguyên cá về lâu dài; tuy nhiên đây lại là cả một quá trình lâu dài và không hề dễ dàng trên quy mô toàn cầu. Có thể mất từ 3 đến 30 năm để các ngư trường phục hồi, thậm chí ở nhiều nơi phải thực hiện cả một cuộc đại trùng tu lớn.

Biện pháp cấp thiết lúc này là cần đẩy mạnh đối thoại giữa các nước trong khu vực để tăng cường hợp tác quản lý tài nguyên cá, giảm đánh bắt cá con và áp dụng các chính sách chống biến đổi khí hậu trong quản lý hệ sinh thái biển. Đồng thời cần tăng cường can thiệp và đầu tư từ các chính phủ cũng như thực hành kiểm toán và quản lý tốt hơn từ các doanh nghiệp.

Việt Anh