Xuất khẩu nông, thuỷ sản sang Trung Quốc: Cần một chiến lược tổng thể và kế hoạch hành động….
Đây là đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan tại Tọa đàm “Thúc đẩy xuất khẩu nông, thuỷ sản sang Trung Quốc” do Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyếnTại Tọa đàm, các đại biểu đã nêu khái quát bức tranh xuất khẩu nông, thủy sản sang Trung Quốc; những khó khăn, thách thức đang phải đối mặt cũng như đề xuất các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy xuất khẩu nông thủy sản sang Trung Quốc trong thời gian tới
Theo Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai, Việt Nam có điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc trong thời gian tới khi hợp tác giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả. Hơn nữa nền kinh tế Trung Quốc cũng đang trong giai đoạn phục hồi mạnh mẽ và Bắc Kinh cũng đang thực hiện chính sách tăng cường nhập khẩu nông sản…. Tuy nhiên bên cạnh thuận lợi thì xuất khẩu sang thị trường này cũng đối mặt với không ít thách thức; nhất là các yêu cầu chất lượng và hàng rào kỹ thuật của Trung Quốc đối với hàng nông thủy sản ngày càng trở nên khắt khe hơn đòi hỏi doanh nghiệp Việt phải có sự cải tiến, nâng cao về mặt chất lượng, đảm bảo các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Cũng nằm trong mục tiêu chung đẩy mạnh xuất khẩu nông, thuỷ sản sang thị trường Trung Quốc, các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cũng đã “hiến kế: cho các bộ, ngành, địa phương như: chủ động kết nối trực tiếp với hệ thống phân phối của Trung Quốc; đẩy nhanh đàm phán Nghị định thư mở cửa; đa dạng hoá các mặt hàng xuất khẩu chủ lực…
Đồng quan điểm, đại diện lãnh đạo các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Đồng Tháp và một số doanh nghiệp tiêu biểu tham dự Tọa đàm cũng đề nghị các bộ, ban ngành, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cần chú trọng thúc đẩy Trung Quốc mở cửa thị trường; tạo thuận lợi trong thông quan hàng hóa; thiết lập cơ chế trao đổi thông tin thường xuyên giữa hai nước nhằm kịp thời phát hiện và tháo gỡ các vướng mắc…
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự Tọa đàm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, yêu cầu tiên quyết bây giờ chính là thông tin; phải tìm tòi nghiên cứu, nắm bắt các thông tin về nhu cầu thị trường, văn hóa tiêu dùng của người Trung Quốc cũng như các nước có sản phẩm tương đồng xuất khẩu sang Trung Quốc để từ đó tìm ra phương án cạnh tranh hiệu quả.
Cũng theo người đứng đầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhiệm vụ của các cơ quan đại diện Việt Nam tại Trung Quốc là hỗ trợ kết nối, tìm hiểu thông tin, từ đó tham mưu về trong nước làm cơ sở xây dựng chiến lược xúc tiến thương mại nông sản hiệu quả. Về phía các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp có nhiệm vụ phối hợp xây dựng một chiến lược tổng thể và kế hoạch hành động để đẩy mạnh xuất khẩu nông, thuỷ sản sang thị trường Trung Quốc. Ngoài ra với mục tiêu hướng đến xây dựng một nền nông nghiệp thông minh 4.0, vấn đề chuyển đổi số trong nông nghiệp cũng cần được chú trọng nhằm kết nối được hệ thống dữ liệu về cung cầu, thúc đẩy mô hình trung tâm logistics theo đối tác công tư…
Khẳng định bây giờ là thời điểm vàng để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông thuỷ sản Việt Nam sang Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cũng đồng thời đề nghị các Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại Trung Quốc tiếp tục phối hợp với các Bộ, ban ngành, địa phương và đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp để nâng cao hơn nữa kim ngạch xuất khẩu nông thuỷ sản sang thị trường vô cùng tiềm năng này.
Thứ trưởng cũng lưu ý cần ưu tiên triển khai gấp các nhiệm vụ như: nghiên cứu những vấn đề tổng quan, cần thiết về thị trường Trung Quốc; cập nhật sớm các chủ trương, chính sách cũng như những quy định mới của Trung Quốc, nhất là đối với hàng nông thủy sản nhập khẩu; đánh giá của các địa phương, doanh nghiệp Trung Quốc đối với sản phẩm nông thủy sản Việt Nam; vận động, tạo thuận lợi nâng cấp, mở mới các cửa khẩu, lối mở biên giới, nâng cao số lượng sản phẩm chính ngạch; đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động quảng bá, tiếp thị, đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng bản địa, qua đó góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu nông thuỷ sản sang Trung Quốc.
Vũ Ngọc