Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 38 và 39: Tăng cường hợp tác ứng phó Covid-19 và thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch

Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 38, 39 và các hội nghị liên quan đã chính thức khai mạc ngày 26/10 dưới sự chủ trì của Brunei – Chủ tịch ASEAN 2021; tập trung thảo luận một số vấn đề về cuộc chiến chống Covid-19, thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch….

Việt Nam quyết tâm đồng hành vượt khó cùng các nước ASEAN

Đại diện Việt Nam – Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị. Đâylà hoạt động đối ngoại đa phương chính thức có quy mô nhất trong năm 2021 mà Thủ tướng tham dự sau khi ban lãnh đạo mới của Việt Nam được thành lập từ Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Theo người đứng đầu Chính phủ, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 38, 39 và Hội nghị cấp cao với các Đối tác là dịp để Việt Nam tiếp tục khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng. Đặt trong bối cảnh khó khăn và đầy thách thức như hiện nay, việc tham gia các Hội nghị Cấp cao ASEAN lần này cũng thể hiện rõ nguyện vọng của Việt Nam được kề vai sát cánh cùng các quốc gia trong khu vực vượt qua khó khăn; giữ vững đoàn kết, thống nhất ASEAN; tiếp nối đà xây dựng Cộng đồng và đẩy mạnh liên kết khu vực; ứng phó hiệu quả các thách thức đang nổi lên cũng như củng cố vai trò, vị thế trung tâm và tiếng nói quốc tế của ASEAN.

Về hành động của Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy vai trò thành viên năng động, ứng xử tích cực và sẻ chia hài hòa và đóng góp có trách nhiệm vào công việc chung của ASEAN; hướng tới vai trò nòng cốt, dẫn dắt trên các lĩnh vực. Đồng thời phối hợp với Chủ tịch Brunei thúc đẩy các ưu tiên của Việt Nam trong năm ASEAN 2020 gắn với các ưu tiên của năm 2021, đặc biệt là về ứng phó với đại dịch; đánh giá triển khai Hiến chương ASEAN; xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025 và thúc đẩy vai trò của ASEAN trong hợp tác tiểu vùng.

Hội nghị Cấp cao ASEAN 38 và 39 dự kiến sẽ công bố, thông qua, ghi nhận 101 văn kiện, bao trùm nhiều lĩnh vực ở cả 3 trụ cột hợp tác của ASEAN (Cộng đồng Chính trị-An ninh; Cộng đồng Kinh tế; Cộng đồng Văn hóa-Xã hội). Với chủ đề năm ASEAN 2021 “Chúng ta quan tâm, chúng ta chuẩn bị và chúng ta cùng phát triển thịnh vượng”, ASEAN tiếp tục tập trung thúc đẩy các nội dung ưu tiên về xây dựng Cộng đồng ASEAN, gồm các sáng kiến 2021 do nước Chủ tịch Brunei đề xuất như: Sáng kiến tăng cường sức mạnh tổng hợp của ASEAN ứng phó với thảm họa thiên tai (ASEAN SHIELD), Tuyên bố của lãnh đạo ASEAN về Đề cao Chủ nghĩa đa phương, Tuyên bố của lãnh đạo ASEAN về Kinh tế biển xanh, Chiến lược hợp nhất về Cách mạng Công nghiệp 4.0 cho ASEAN…

Bên cạnh các nội dung ưu tiên năm 2021 thì các nội dung về xây dựng Cộng đồng năm 2020 trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN của Việt Nam cũng được duy trì và thúc đẩy như: sáng kiến xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025; đánh giá triển khai Hiến chương ASEAN….

Ngoài ra ASEAN đã thông qua nhiều văn kiện/báo cáo quan trọng, trong đó có Lộ trình xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025; Điều khoản tham chiếu (TOR) thành lập Nhóm đặc trách cao cấp (HLTF)  và Quy chế hoạt động của HLTF. Theo lộ trình, các nước sẽ cử đại diện tham gia Nhóm HLTF trước ngày 15/12/2021 và sẽ bắt đầu hoạt động từ tháng 1/2022; trong đó Trưởng đoàn Việt Nam tham gia Nhóm HLTF xây dựng Tầm nhìn chính là nguyên Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh. ASEAN cũng sẽ tiến hành đánh giá việc triển khai Hiến chương ASEAN trên cơ sở Báo cáo phạm vi đã được thông qua nhằm rà soát hoạt động của bộ máy ASEAN, hướng tới nâng cao hiệu quả vận hành của ASEAN, nâng cao khả năng sẵn sàng của ASEAN trong việc giải quyết các thách thức chung và nắm bắt các cơ hội để theo đuổi sự thịnh vượng chung, đạt được các mục tiêu dài hạn của khối.

Hướng tới một ASEAN phồn thịnh, phát triển bền vững

Các quốc gia ASEAN vừa trải qua làn sóng dịch bệnh thứ ba, tồi tệ nhất kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Chính vì vậy vấn đề tăng cường hợp tác ứng phó Covid-19 và thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch được Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 38, 39 dành ưu tiên hàng đầu. Cụ thể tại chuỗi Hội nghị lần này, ASEAN sẽ thống nhất và chia sẻ nhiều biện pháp kiểm soát dịch bệnh, cải thiện năng lực y tế công cộng, quản lý thảm họa y tế, thúc đẩy tiếp cận vaccine đầy đủ, kịp thời với các nguồn vaccine, đẩy nhanh tiêm chủng rộng rãi để nâng cao khả năng miễn dịch cộng đồng.

Tín hiệu vui là hiện nay tỷ lệ tiêm chủng ở khu vực Đông Nam Á ngày một gia tăng. ASEAN đang hướng tới hình thành chuỗi cung ứng và tự cường vaccine; trong đó Thái Lan, Singapore và Việt Nam là ba quốc gia duy nhất trong khu vực đang tự chủ nghiên cứu, phát triển vaccine. ASEAN đẩy mạnh hợp tác với các đối tác trong ứng phó Covid-19 và nhận được nhiều cam kết hỗ trợ về cung cấp vaccine, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine để nâng cao năng lực phòng, chống dịch.

Bên cạnh ứng phó dịch bệnh, ASEAN cũng dành ưu tiên cho thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch; trong đó chú trọng ổn định và duy trì chuỗi cung ứng, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất, chuyển đổi số thích ứng với điều kiện mới.

Cũng nằm trong mục tiêu chung giảm thiểu tác động kinh tế – xã hội của đại dịch Covid-19 và thúc đẩy phục hồi toàn diện trong ASEAN, Khuôn khổ Phục hồi Tổng thể ASEAN (ACRF) cũng đang được xúc tiến triển khai, nhấn mạnh vào 5 chiến lược: Nâng cấp hệ thống y tế; Tăng cường an toàn cho người dân; Tối đa hóa tiềm năng của thị trường nội khối ASEAN và hội nhập kinh tế rộng hơn; Đẩy mạnh Chuyển đổi kỹ thuật số toàn diện và Tiến tới một tương lai bền vững và dễ phục hồi hơn.

Ngoài ra Hội nghị cấp cao ASEAN 38 và 39 cũng sẽ thông qua Khung thỏa thuận hành lang đi lại ASEAN (ATCAF) nhằm tạo thuận lợi cho đi lại vì mục đích công vụ và kinh doanh trong ASEAN, bảo đảm tuân thủ các quy định y tế của khu vực và từng quốc gia thành viên trong bối cảnh dịch Covid-19, hỗ trợ cho các nỗ lực phục hồi kinh tế sau dịch của ASEAN.

Huy Anh