Nửa đầu năm, nhiều “ông lớn” tiếp tục kéo dài đà kinh doanh dưới giá vốn

Khép lại 6 tháng đầu năm 2021, trong khi nhiều doanh nghiệp đã hoàn thành, thậm chí vượt xa kế hoạch kinh doanh cả năm thì cũng có không ít doanh nghiệp tiếp tục chìm trong khoản lỗ lớn, vốn đã xuất hiện ở cùng kỳ năm trước.

Trong số các doanh nghiệp kéo dài đà kinh doanh dưới giá vốn trong nửa đầu năm nay không thể không kể đến Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – HVN). Theo tài liệu đại hội cổ đông thường niên giữa tháng 7, Vietnam Airlines ước tính lỗ gần 5.900 tỷ đồng trong quý II/2021; lỗ hợp nhất dự kiến khoảng xấp xỉ 10.800 tỷ đồng, tăng hơn 65% so với nửa đầu năm 2020. Hiện số nợ phải trả quá hạn của hãng hàng không quốc gia lên tới 6.240 tỉ đồng, tổng công ty này đang cực kỳ khó khăn, bên bờ vực phá sản trong khi các ngân hàng thương mại chưa nhìn thấy gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng nên chưa giải ngân thêm hoặc không gia hạn, cấp thêm hạn mức tín dụng.

Đồng cảnh ngộ với ngành hàng không, ngành đường sắt cũng bị đại dịch càn quét khi hai doanh nghiệp lớn trong ngành có kết quả kinh doanh bết bát trong 2 quý đầu năm, trong đó: Công ty CP Vận tải Đường sắt Sài Gòn (SRT) lỗ hơn 20 tỷ đồng nhưng đã cải thiện được mức thâm hụt gần 60%; Công ty CP Vận tải Đường sắt Hà Nội (HRT) lỗ 76 tỷ đồng song mức lỗ này cũng đã cải thiện.

Trong ngành vận tải biển – lĩnh vực được cho là “ăn nên làm ra” trong mùa dịch thì nghịch lý vẫn xảy ra khi Công ty Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (VST) báo lỗ 100 tỷ đồng, Công ty Vận tải biển và Thương mại Phương Đông (NOS) báo lỗ 70 tỷ đồng. Tín hiệu vui là khoản lỗ này vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Danh sách các doanh nghiệp ngành vận tải kinh doanh dưới giá vốn còn có sự góp mặt của đơn vị vận hành hãng taxi Vinasun – Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (VNS) do nhu cầu đi lại của người dân sụt giảm mạnh khi thực hiện giãn cách xã hội. Trong 6 tháng đầu năm, Vinasun lỗ vượt kế hoạch hơn 20% và quý II/2021 là quý thứ 6 liên tiếp hãng taxi này chịu lỗ do Covid-19.

Một số doanh nghiệp trong ngành khí – điện – đạm cũng kéo dài thời kỳ thua lỗ từ năm ngoái sang năm nay bất chấp sự thăng hoa của ngành này trong thời gian qua. Trong đó Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc – “anh cả” của ngành phân đạm tiếp tục báo lỗ gần 415 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế 6 tháng đầu năm lên hơn 5.100 tỷ đồng.

Còn trong danh sách các doanh nghiệp thua lỗ ngành dầu khí luôn thường trực cái tên Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVX). Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu tăng 37,6% lên 1.003,4 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế âm 87,1 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 63 tỷ đồng. Trong đó, 6 tháng đầu năm doanh nghiệp kinh doanh dưới giá vốn dẫn tới lợi nhuận gộp âm 22,9 tỷ đồng. Như vậy với việc ghi nhận lỗ trong 6 tháng đầu năm đã nâng mức lỗ lũy kế tính tới 30/6/2021 lên âm 4.022 tỷ đồng, vượt cả vốn điều lệ 4.000 tỷ đồng. Để giảm lỗ, công ty mẹ sẽ tham gia trực tiếp vào hoạt động xây lắp nhằm khắc phục khó khăn trong thời gian tới.

Với Điện lực Khánh Hòa, trong quý II/2021 doanh nghiệp này  lỗ ròng 105 tỷ đồng do kinh doanh dưới giá vốn. Với hai quý lỗ liên tiếp, Điện lực Khánh Hòa ghi nhận mức lỗ lũy kế lên tới 182 tỷ đồng sau nửa đầu năm, phá tan tham vọng đạt lợi nhuận hơn 50 tỷ đồng trong năm nay mà doanh nghiệp đề ra. Tương tự 6 tháng đầu năm, Nhiệt điện Cẩm Phả (NCP) cũng báo lỗ sau thuế gần 13 tỷ đồng.

Mùa báo cáo tài chính vừa qua cũng ghi nhận một số doanh nghiệp chưa thể thoát lỗ trong ngành hạ tầng, sản xuất sợi, hạ tầng nước hay khách sạn, casino… Trong đó bất ngờ lớn nhất là việc “ông trùm BOT” Công ty CP Tasco (HUT) báo lỗ ròng 6 tháng 73,6 tỷ đồng, tăng đột biến so với âm 9,2 tỷ đồng trong 2 quý đầu năm 2020. Đây là số lỗ đáng báo động khi trong năm 2021, Tasco đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt 900 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là âm 100 tỷ đồng. Như vậy, chỉ sau nửa năm đơn vị đã chạm ngưỡng 73% kế hoạch lỗ.Trong phiên họp thường niên năm 2021, Tasco xác nhận gặp nhiều khó khăn trong nửa đầu năm nay do các chính sách BOT, thu phí không dừng chưa nhất quán, dịch bệnh khiến thu phí phương tiện trên nhiều tuyến đường giảm.

Theo các chuyên gia HSBC, việc phải đóng cửa nhiều khu công nghiệp và giãn cách xã hội kéo dài theo Chỉ thị 16 của Chính phủ sẽ tác động tiêu cực tới đà  phục hồi và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong quý III cũng như nửa cuối năm 2021. Chưa kể biến thể mới của Covid-19 và tốc độ tiêm vaccine chậm cũng tiếp tục làm trì hoãn việc mở cửa cho khách du lịch đại chúng và nhà đầu tư nước ngoài. “Trong bối cảnh đó, Chính phủ cần có những chính sách kịp thời cả về tài khóa lẫn tiền tệ nhằm hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp và người dân vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay” – chuyên gia HSBC khuyến nghị.

Dưới tác động của đợt tái bùng phát dịch lần thứ 4 diễn biến phức tạp và kéo dài, HSBC cũng hạ dự báo tăng trưởng năm nay của Việt Nam từ 6,6% xuống 6,1%. “Dù hạ dự báo tăng trưởng nhưng chúng tôi đánh giá Việt Nam vẫn có thể tiếp tục là điểm sáng trong khu vực sau khi lấy lại tiến độ phục hồi bền vững. Mức tăng trưởng này hoàn toàn nằm trong giới hạn mục tiêu phấn đấu Chính phủ đề ra là từ 6-6,5%” – đại diện ngân hàng này chia sẻ.

Thế Anh