Hướng tới hoàn thiện chính sách phòng vệ thương mại trong nước

Phòng vệ thương mại (PVTM) là công cụ hữu hiệu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các ngành sản xuất nội địa trước hàng hóa nhập khẩu ngày càng gia tăng và cạnh tranh không lành mạnh. Tuy nhiên bất cập hiện nay là mức độ hiểu biết, kinh nghiệm về PVTM của doanh nghiệp Việt hiện còn rất hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của các doanh nghiệp…

Xu hướng gia tăng các vụ kiện

Lũy kế đến hết  quý II/2021, đã có 207 vụ việc PVTM do 21 quốc gia/ vùng lãnh thổ khởi xướng điều tra đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam, gây tổn hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước. Qua thống kê các vụ việc xảy ra trong mỗi năm, có thể thấy số lượng các vụ việc điều tra đang có xu hướng gia tăng; riêng năm 2020 là năm cao điểm dính kiện PVTM của hàng hóa xuất khẩu với 39 vụ việc, tăng 2,5 lần so với năm 2019 và là mức cao nhất từ trước đến nay. Đây là điều không khó hiểu, đặt trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành đã tác động đến nhiều nền kinh tế, khiến nhiều ngành phải thu hẹp sản xuất, sa thải nhân công….

Dự kiến trong thời gia tới số lượng vụ việc tiến hành điều tra sẽ còn tăng mạnh hơn nữa; phạm vi sản phẩm bị áp dụng các biện pháp PVTM cũng ngày càng mở rộng. Nếu như giai đoạn 1994-2010 có 39 loại sản phẩm hàng hóa bị điều tra áp dụng các biện pháp PVTM (chủ yếu tập trung vào mặt hàng nông thủy sản, dệt may) thì trong giai đoạn từ 2011 – 2020 con số này đã tăng lên gần 60 loại sản phẩm, hàng hóa. Đồng thời các vụ điều tra kép (điều tra cả hành vi trợ cấp và hành vi bán phá giá trong cùng một vụ việc) cũng tăng lên, gây khó khăn cho cả cơ quan quản lý lẫn các doanh nghiệp, hiệp hội liên quan do lượng dữ liệu, thông tin phải cung cấp tăng lên gấp đôi. Nếu không có sự hợp tác giữa các doanh nghiệp xuất khẩu và cơ quan quản lý thì không thể kịp thời cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra các nước.

Đáng chú ý, thời gian gần đây “thị trường đặc biệt” đã trở thành công cụ được nhiều nước sử dụng khi điều tra PVTM với các nước, đặc biệt là ở khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam. Đây được coi là một biến thể của cách áp dụng “nền kinh tế phi thị trường”, thông qua “cáo buộc” Chính phủ nước xuất khẩu tác động đến thị trường nguyên vật liệu dẫn đến việc không sử dụng số liệu do doanh nghiệp kê khai trong tính toán biên độ bán phá giá, làm biên độ phá giá bị đẩy lên cao hơn so với thực tế.

Các nước cũng có xu hướng thắt chặt, đòi hỏi khắt khe hơn trong quá trình điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM; thể hiện thông qua việc yêu cầu các bên tuân thủ chặt chẽ về mặt thời gian trả lời câu hỏi; yêu cầu bổ sung thêm nhiều tài liệu, thông tin, dữ liệu trong khi hạn chế thời gian trả lời…Chính những yêu cầu này đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu trong việc hợp tác với các cơ quan điều tra để cung cấp thông tin và trả lời bản câu hỏi.

Yêu cầu xây dựng khung khổ chính sách, pháp luật mới về PVTM

Ông Lê Triệu Dũng – Cục trưởng Cục PVTM cho biết kể từ khi tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các FTA, Việt Nam đã mở cửa thị trường và cắt giảm thuế nhập khẩu đối với nhiều mặt hàng. Điều này đặt các doanh nghiệp và ngành hàng trong nước đứng trước sự cạnh tranh khốc liệt của hàng hóa nhập khẩu. Trong bối cảnh đó các biện pháp PVTM đã trở thành công cụ hữu hiệu để bảo vệ nền sản xuất nội địa, đảm bảo nền kinh tế có thể hội nhập hiệu quả, giảm thiểu tác động tiêu cực tới doanh nghiệp.

Cũng theo người đứng đầu Cục PVTM, mặc dù thời gian qua các cơ quan nhà nước và một số doanh nghiệp đã tích lũy được năng lực và kinh nghiệm về PVTM nhưng vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, đòi hỏi phải xây dựng khung khổ chính sách, pháp luật mới về PVTM để phù hợp với các quy định tại các FTA mà Việt Nam đã tham gia. Điều này càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, đặt trong bối cảnh Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng, nhất là thực thi các FTA quan trọng với mức thuế đối với hàng nhập khẩu về thấp, có loại về 0%, khiến sức ép cạnh tranh giữa các ngành sản xuất nội địa và hàng nhập khẩu gia tăng. Chính vì vậy Cục PVTM khuyến cáo doanh nghiệp cần chuẩn bị tâm thế cũng như trang bị những kiến thức cơ bản về pháp luật PVTM, đặc biệt là các quy định pháp luật về PVTM của Việt Nam và của các thị trường đang và sẽ xuất khẩu; chuẩn bị nguồn lực để đối phó với các nguy cơ kiện PVTM. Ngoài ra các doanh nghiệp và ngành hàng cũng cần chủ động theo dõi tình hình nhập khẩu các mặt hàng liên quan để kịp thời phát hiện dấu hiệu hàng hóa bán phá giá, trợ cấp, nguy cơ gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước.

Còn theo Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập – bà Nguyễn Thị Thu Trang, mặc dù các ngành hàng của Việt Nam đã sẵn sàng chấp nhận cuộc chơi, chấp nhận cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu nhưng yêu cầu đặt ra là ở đây là cuộc chơi phải công bằng; mọi sự cạnh tranh không lành mạnh (bán phá giá, được trợ cấp….) từ hàng hóa nước ngoài đều tiềm ẩn rủi ro cho các doanh nghiệp và ngành hàng sản xuất trong nước. Chính vì vậy yêu cầu cấp thiết đặt ra là phải có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận với các biện pháp PVTM cũng như có cơ chế cảnh báo sớm cho những ngành, lĩnh vực hàng xuất khẩu.

Ở phương diện quản lý, Bộ Công Thương cũng đang nỗ lực nâng cao nhận thức cũng như năng lực PVTM của doanh nghiệp; đồng thời triển khai thu thập, phân tích thông tin trong nước và ngoài nước để xác định mặt hàng, doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao về gian lận, giả mạo xuất xứ để kịp thời áp dụng các biện pháp nghiệp vụ kiểm tra, điều tra, xác minh làm rõ các hành vi vi phạm. Ngoài ra Bộ cũng chủ động nghiên cứu những diễn biến mới trong chính sách, pháp luật về PVTM của các nước, tình hình cải cách WTO (như Cơ chế trọng tài phúc thẩm tạm thời – MPIA); theo dõi các vụ việc giải quyết tranh chấp tại WTO để đề xuất hoàn thiện chính sách PVTM của Việt Nam phù hợp với các quy định quốc tế và thực tiễn trên thế giới.

Nhật Hạ