Telio – Đối thủ nặng ký của VinShop trong cuộc đua thương mại điện tử B2B
Nhằm hiện thực hóa kế hoạch phát triển nền tảng thương mại điện tử B2B góp phần nâng cao hiệu quả bán hàng cho loại hình bán lẻ truyền thống, Telio – nền tảng thương mại điện tử B2B đầu tiên của Việt Nam đã gọi vốn thành công 26,5 triệu USD từ Quỹ Đầu tư Sequoia (Ấn Độ) sau 2 vòng gọi vốn…
Với tầm nhìn phát triển một hệ sinh thái số có khả năng tiếp cận thị trường 75 tỷ USD trên 3 lĩnh vực: bán lẻ, bất động sản và dịch vụ tài chính, tháng 10/2020 One Mount Group (thuộc Vingroup) đã chính thức cho ra mắt hai nền tảng khác là VinShop (bán lẻ) và OneHousing (bất động sản) bên cạnh ứng dụng VinID đã có từ nhiều năm trước.
Với mục tiêu hỗ trợ các chủ cửa hàng tạp hóa tiếp cận nguồn hàng phong phú, giá cả minh bạch và các ưu đãi hấp dẫn, VinShop được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả của toàn chuỗi cung ứng, giúp khắc phục những điểm yếu hiện tại trong luồng phân phối sản phẩm từ nhà sản xuất đến tiệm tạp hóa. Không ngoài kỳ vọng đặt ra, ngay thời điểm ra mắt, mô hình kết nối VinShop – VinID đã thu hút được 20.000 đối tác là các cửa hàng tạp hóa tại Hà Nội, Tp.HCM và đến hết quý I/2021, con số này đã tăng lên hơn 65.000 đối tác.
Tuy nhiên trước đó một năm, Telio đã được thành lập với mô hình kinh doanh tương tự. Với việc sử dụng ứng dụng Telio trên smartphone, chủ cửa hàng bán lẻ có thể dễ dàng tìm kiếm, lựa chọn và đặt các sản phẩm từ hàng loạt các thương hiệu và nhà phân phối khác nhau. Đặc biệt với sản lượng bán hàng lớn, Telio có thể đưa ra mức giá tốt hơn và minh bạch hơn.
Tích hợp nhiều ưu điểm vượt trội, Telio đã phát triển vượt bậc với số lượng đối tác đến thời điểm hiện tại xấp xỉ 25.000 cửa hàng tạp hóa trên 16 tỉnh thành cả nước, tập trung vào các nhóm hàng tiêu dùng – gia dụng – thiết bị y tế.
Hiện nay vốn điều lệ của Telio đạt 550 tỷ đồng và toàn bộ là vốn nước ngoài. Sau 2 vòng gọi vốn, Telio đã gọi vốn thành công 26,5 triệu USD từ Quỹ Đầu tư Sequoia (Ấn Độ). Trong khi đó công ty chủ quản One Mount Distribution – dù sinh sau đẻ muộn song với sự hậu thuẫn của 2 “ông lớn” Vingroup và Techcombank hiện đã có vốn điều lệ lên đến 1.050 tỷ đồng, gần gấp đôi Telio.
Bên cạnh vốn điều lệ khủng, tốc độ tăng trưởng của VinShop cũng khiến Telio phải e dè. Dù mới chỉ mới đi vào hoạt động từ tháng 10/2020 song VinShop đã đạt mức doanh thu trên 1.100 tỷ đồng trên cả năm; trong khi đó tổng doanh thu của Telio trong năm 2020 đạt khoảng 1.650 tỷ đồng. Mặc dù cả VinShop lẫn Telio đều là tân binh và đang trong quá trình giới thiệu sản phẩm của mình ra thị trường song hoàn toàn có thể thấy tốc độ mở rộng của VinShop nhanh và mạnh hơn nhiều so với Telio. Tuy nhiên việc mở rộng cũng đi kèm với thua lỗ khi VinShop báo lỗ tới 320 tỷ đồng trong năm 2020, trong khi con số này tại Telio là 120 tỷ đồng.
Ngay từ thời điểm thành lập thành lập Telio, người sáng lập kiêm Tổng Giám đốc Bùi Sỹ Phong đã vướng vào rắc rối pháp lý với công ty cũ OnOnPay và vụ kiện này kéo dài hơn 2 năm. Hội đồng quản trị OnOnPay cáo buộc ông Bùi Sỹ Phong vi phạm các nghĩa vụ uỷ thác trong vai trò giám đốc bằng cách chiếm đoạt các cơ hội kinh doanh và sử dụng nguồn lực của OnOnPay (mạng lưới nhà bán hàng, nguồn nhân lực, quyền sở hữu trí tuệ) để phát triển startup tiếp theo của mình là Telio. Trên thực tế, Telio được lập ra trên nền tảng của OnOnPay và gọi vốn thành công một phần nhờ vào danh tiếng của OnOnPay.
Tháng 6/2021, Tòa án Cấp cao Singapore đã ra phán quyết ông Bùi Sỹ Phong thua kiện và phải chuyển giao toàn bộ số cổ phần của mình tại Telio cho các nhà đầu tư OnOnPay. Trong vụ việc này, cá nhân ông Bùi Sỹ Phong cũng phải chịu trách nhiệm cho các khoản phí phạt thay vì công ty Telio bởi ông Phong có vai trò là bị cáo.
Bùi Sỹ Phong vốn là một gương mặt rất đỗi quen thuộc trong cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam. Ông thành lập startup công nghệ tài chính OnOnPay (ví điện tử và dịch vụ nạp tiền điện thoại) vào năm 2014 và đã nhận được 800.000 USD vốn đầu tư từ các quỹ Pegasus Tech Ventures, Gobi Partners, Captii Ventures.
Thế Quang