Thuế, phí cao – Điểm nghẽn trong phát triển ngành công nghiệp ô tô

Thuế, phí cao ngất ngưởng đang được xem là một trong những điểm nghẽn lớn nhất hiện nay mà ngành công nghiệp ô tô Việt Nam cần nhanh chóng tháo gỡ, nếu muốn vươn ra “biển lớn”…

Theo Tổng cục Thuế  (Bộ Tài chính), dù chỉ mới 6 tháng áp dụng giảm 50% phí trước bạ đối với xe trong nước nhưng chính sách này đã giúp thu ngân sách tăng hơn 11.200 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, riêng thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng (VAT) tăng hơn 8.200 tỷ đồng; tăng thu phí, lệ phí trước bạ của các địa phương là hơn 3.000 tỷ đồng.

Nhờ chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ vào nửa cuối năm 2020 nên lượng xe bán ra trong nước đã tăng rất mạnh. Cụ thể trong năm qua, doanh số bán ô tô sản xuất lắp ráp trong nước của 11 doanh nghiệp thành viên Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cộng với Công ty TC Motor và Công ty VinFast đạt gần 300.000 xe, tăng 14.000 xe so với 2019. Thông qua những con số ấn tượng này cũng phần nào cho thấy việc giảm lệ phí trước bạ không làm giảm số thu ngân sách, ngược lại còn giúp tăng số thu thuế, phí nhờ tăng trưởng doanh số bán xe mang lại.

Theo Bộ Công Thương, quy mô thị trường nhỏ và chênh lệch giá thành giữa ô tô sản xuất trong nước với ô tô nhập khẩu đang là hai điểm nghẽn, thách thức lớn nhất hiện nay của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam và nguyên nhân đều do thuế, phí cao mà ra.

Kết quả Tổng điều tra dân số nhà ở 2019 của Tổng cục Thống kê cho thấy trung bình cả nước có 5,7% tổng số hộ gia đình có xe ô tô, trong đó vùng thành thị có tỷ lệ 9,5% hộ có ô tô trong khi con số này ở vùng nông thôn chỉ là 3,6%. Tỷ lệ hộ dân có khả năng mua xe khá ít ỏi nên lượng  ô tô bán ra tương đối thấp, quy mô thị trường ô tô trong nước vì thế cũng mang tính nhỏ lẻ, chỉ đạt hơn 400.000 xe các loại trong năm 2020.

Theo các chuyên gia, để đủ điều kiện đầu tư sản xuất linh kiện, phát triển chuỗi cung ứng, nâng tỷ lệ nội địa hóa và giảm giá thành sản phẩm đòi hỏi mỗi mẫu xe phải đạt doanh số bán hàng từ 50.000 chiếc/năm trở lên. Trong khi đó Việt Nam chỉ có duy nhất 1 mẫu xe sản xuất lắp ráp trong nước đạt doanh số bán cao nhất là 33.000 chiếc/năm vào năm 2020. Hầu hết các mẫu xe còn lại đều có doanh số bán thấp và đây cũng chính là nguyên nhân khiến giá thành xe sản xuất lắp ráp ở Việt Nam cao hơn từ 10-20% so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia…

Để vươn đến mục tiêu độc lập, tự chủ, thịnh vượng đòi hỏi Việt Nam phải có một ngành công nghiệp chế biến, chế tạo phát triển lớn mạnh. Tuy nhiên thống kê năm 2020 cho thấy tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo mới chiếm 16,58% trong GDP, khá thấp so với tiêu chí của nước công nghiệp.

Ngoài ra cơ cấu cũng như nội lực của công nghiệp chế biến chế tạo trong nước còn nhiều hạn chế, phụ thuộc rất lớn vào các chuỗi cung ứng từ nước ngoài về linh phụ kiện, nguyên vật liệu nhập khẩu dẫn đến nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong nước. Trong khi khu vực kinh tế trong nước chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ thì khu vực vốn FDI chiếm tới hơn 50% giá trị sản xuất và chiếm khoảng 80% kim ngạch xuất khẩu. Việc tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo chủ yếu dựa vào khu vực vốn FDI dễ dẫn đến quá trình “giải trừ công nghiệp”, đẩy Việt Nam rơi vào “bẫy giá trị gia tăng thấp”, không xây dựng được nền công nghiệp trong nước vững mạnh.

Để khắc phục bất cập này, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đặt ra mục tiêu phấn đấu trong giai đoạn 2021-2025, tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP lên mức trên 25%. Công nghiệp chế biến, chế tạo phát triển sẽ trở thành đòn bẩy đưa Việt Nam thoát khỏi “bẫy giá trị gia tăng thấp” và “bẫy thu nhập trung bình”, vươn lên trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, công nghiệp sản xuất ô tô – trụ cột của ngành công nghiệp chế biến chế tạo vẫn đang trong tình trạng yếu kém; thuế, phí cao ngất ngưởng đã kìm hãm sự phát triển của ngành công nghiệp động lực này.

Quang Dũng