6 tháng, xuất khẩu cá tra tăng 18%: Tín hiệu vui hay buồn?

Sau giai đoạn sụt giảm, thời gian gần đây bức tranh xuất khẩu cá tra “sáng màu” trở lại với kim ngạch xuất khẩu đạt 788 triệu USD trong 6 tháng đầu năm 2021, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên “nút thắt” ở đây là dẫu giá cá tra thương phẩm tăng mạnh song cả người nuôi lẫn doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu đều đang phải chịu cảnh thua lỗ…

Khó ở thị trường EU

Hiện nay Mỹ, Trung Quốc, EU vẫn là những thị trường xuất khẩu chủ lực của cá tra. Tuy nhiên trong khi xuất khẩu cá tra sang Mỹ và Trung Quốc có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái thì xuất khẩu cá tra sang EU vẫn chứng kiến sự sụt giảm.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), đặt trong bối cảnh thị trường EU đã phục hồi các hoạt động kinh tế sau Covid-19 thì kim ngạch xuất khẩu cá tra sang thị trường chủ lực này bị suy giảm là điều rất đáng quan ngại. Cụ thể trong tháng 6/2021, giá trị xuất khẩu cá tra sang EU chỉ đạt hơn 100 USD, giảm tới 21% so với cùng kỳ năm ngoái

Sở dĩ giá thành sản phẩm cá tra chế biến tăng là do giá thu mua cá nguyên liệu tăng mạnh. Tuy nhiên khi các doanh nghiệp tăng giá cá tra xuất khẩu thì các đối tác ở EU lại hủy bỏ đơn hàng. Hiện các doanh nghiệp vẫn phải xuất khẩu cá tra sang thị trường EU với giá dao động quanh mức 2,35 USD/kg (tương đương so với cùng kỳ năm ngoái). Do giá thấp, lời ít nên có 25 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam đã rút khỏi thị trường EU.  Một số doanh nghiệp cá tra khác vẫn nỗ lực duy trì thị trường này thì cho biết dẫu xuất khẩu sang EU đang chịu lỗ nặng nhưng họ vẫn chấp nhận để duy trì đối tác và thị trường, chờ cơ hội phục hồi trở lại.

Nếu như thị trường Mỹ chủ yếu tiêu dùng cá da trơn thì tại EU, con cá tra phải cạnh tranh khốc liệt với rất nhiều loại sản phẩm cá thịt trắng. Hiện EU đang là khu vực nhập khẩu sản phẩm cá thịt trắng lớn nhất thế giới và do các sản phẩm này đều có giá bán khá rẻ nên người tiêu dùng trong khối khó chấp nhận mua cá tra giá cao.

Giá tăng nhưng người nuôi vẫn thua lỗ

Thống kê của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho thấy từ tháng 5/2021 đến nay giá cá tra nguyên liệu bán tại ao đầm của người nuôi đã tăng mạnh, hiện ở mức 21.500 – 22.000 đồng/kg, tăng 3.500 đ/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Bất cập ở đây là dù giá cá tra có tăng nhưng người nuôi cá vẫn lỗ từ 1.000 – 2.000 đồng/kg. Có hiện tượng này là do giá thức ăn cho cá tra đã tăng hơn 20% so với giữa năm ngoái, khiến chi phí giá thành nuôi cá tra tăng cao, hiện đã lên tới 22.500 -23.000 đồng/kg cá thu hoạch thay vì 18.000-19.000 đồng/kg như trước kia. Đây là nguyên nhân chính khiến người nuôi cá tra phải chịu cảnh thua lỗ dẫu giá bán cá nguyên liệu tăng cao.

Chiếm tới 80% diện tích và sản lượng xuất khẩu, hiện Đồng bằng sông Cửu Long là vùng thâm canh cá tra lớn nhất cả nước. Nuôi cá tra ở khu vực này có sự thâm canh rất cao, sản lượng thu hoạch bình quân đạt 300 tấn/ha; điều này đồng nghĩa với người nông dân nuôi cá tra chỉ cần đạt lợi nhuận bình quân 1.000 đồng/kg cá xuất bán thì mỗi ha ao đã cho lợi nhuận tới 300 triệu đồng. Đó là lý do chênh lệch giữa giá thành sản xuất và giá bán cá tra thương phẩm rất thấp. Khác với chăn nuôi lợn, gà hay nuôi các loài cá khác, chênh lệch giữa giá bán và giá thành cao hơn nhiều, có khi lên tới 10.000-15.000 đồng/kg.

Theo một số người nuôi cá tra, bên cạnh giá thức ăn tăng cao, xuất khẩu cá tra còn gặp khó bởi tác động của dịch bệnh kéo dài suốt từ năm 2020 đến nay. Đầu ra tắc nghẽn buộc nhiều hộ nuôi cá phải hạn chế cho ăn, thời gian nuôi kéo dài, dẫn đến hệ số thức ăn tăng cao, hao hụt đầu con nhiều nên giá thành cá tra thương phẩm càng tăng cao hơn nữa.

Hiệu ứng domino từ việc tăng giá thức ăn đang phủ bóng đen lên ngành cá tra, khiến cả người nuôi lẫn doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra phải chịu cảnh thua lỗ nặng nề. Tất cả đều phải đang nỗ lực chống chọi chờ qua giai đoạn khốn khó; chính vì vậy con số tăng trưởng xuất khẩu 18% trong nửa đầu năm nay không phải là tín hiệu vui cho ngành cá tra.

Thế Trung