Quảng Ngãi: Doanh nghiệp đề nghị cho phép thu mua cá nóc để chế biến xuất khẩu
Mặc dù có độc tố cao, rất nguy hiểm đối với sức khoẻ con người song nếu được chế biến đúng cách, cá nóc lại là món ăn đặc sản rất được nhiều người ưa chuộng, nhất là người dân tại Hàn Quốc và Nhật Bản. Nằm bắt nhu cầu này, một doanh nghiệp tư nhân ở Nha Trang (Khánh Hòa) đã có công văn gửi UBND tỉnh Quảng Ngãi đề nghị cho phép thu mua cá nóc để chế biến, xuất khẩu.
Trước đề nghị của doanh nghiệp, UBND tỉnh Quảng Ngãi có công văn yêu cầu Sở Nông nghiệp&Phát triển nông thôn Quảng Ngãi chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan và doanh nghiệp có nhu cầu thu mua, chế biến, xuất khẩu cá nóc xây dựng Đề án khai thác, thu mua, chế biến, xuất khẩu cá nóc trên địa bàn tỉnh trình UBND tỉnh xem xét và phê duyệt.
Ông Dương Văn Tô – Giám đốc Sở Nông nghiệp&Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi cho biết thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở đã giao Chi cục Thủy sản khảo sát về nguồn lực khai thác cá nóc của ngư dân theo. “Hiện doanh nghiệp mới chỉ đề nghị thu mua, chúng tôi phải khảo sát, nghiên cứu kỹ về vấn đề này bởi việc chế biến cá nóc rất khó, đòi hỏi độ an toàn cực cao. Trước đây chưa có đơn vị nào thu mua loài cá này tại địa phương. Theo tôi tìm hiểu thì cá nóc khó chế biến và ở Nhật chỉ có 12 đầu bếp thành thục loài cá này” – ông Tô cho hay.
Cá nóc có độc tố tetrodotoxin gây tê liệt thần kinh. Ảnh: AFP.
Cá nóc có tên khoa học là Tetraodontiformes, phân bố chủ yếu ở vùng biển cận nhiệt đới và nhiệt đới, ở nước mặn nhiều hơn nước ngọt. Ở Việt Nam, cá nóc còn được gọi là cá cóc, cá bống hoa, cá đùi gà…; ở Mỹ gọi là pufferfish; ở Nhật Bản gọi là cá fugu. Chất độc của cá có tân là tetrodotoxin, chủ yếu tập trung ở da, ruột, gan, cơ bụng, túi tinh và nhiều nhất ở trứng cá; chính vì vậy con cái độc hơn con đực, đặc biệt là vào mùa sinh sản. Tetrodotoxin là một loại độc tố thần kinh cực độc, gấp hơn 1.200 lần so với cyanua. Độc tố của một con cá đủ giết chết 30 người. Dù nguy hiểm như vậy song đây lại là món ăn đặc sản ở Nhật Bản và Hàn Quốc.
Ở Việt Nam, ngư dân chế biến cá nóc theo cách truyền thống nhưng vẫn xảy ra sơ suất. Những năm 2000 hầu như năm nào cũng xảy ra các vụ ngộ độc cá nóc. Năm 2003, trước tình hình ngộ độc do ăn cá nóc gia tăng, Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương nghiêm cấm khai thác, chế biến, kinh doanh loại cá này. Tuy nhiên do đây là nguồn tài nguyên dồi dào cần được tận dụng để xuất khẩu nên Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp&Phát triển nông thôn chủ trì nghiên cứu phương pháp chế biến, đồng thời có đề án khai thác hiệu quả nguồn lợi này.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp&Phát triển nông thôn, từ năm 2013 Đề án thí điểm khai thác, thu mua, chế biến và xuất khẩu cá nóc bảo đảm an toàn thực phẩm đã được triển khai tại 5 tỉnh Hải Phòng, Khánh Hòa, Phú Yên, Bà Rịa – Vũng Tàu, Kiên Giang. Tuy nhiên do tỷ lệ cá nóc đáp ứng yêu cầu ban đầu của nhà nhập khẩu chưa cao, sản lượng xuất khẩu thấp nên không ít cơ sở chế biến xuất khẩu cá nóc gặp khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng. Giá trị thấp, nguồn nguyên liệu không ổn định, đối tác nhập khẩu lúc có lúc không… nên 4 trong số 5 địa phương tham gia triển khai Đề án đã đề xuất Bộ Nông nghiệp&Phát triển nông thôn cho dừng việc thí điểm. Hiện nay chỉ còn tỉnh Khánh Hòa có mong muốn tiếp tục thực hiện Đề án do đã có đầu ra xuất khẩu tương đối ổn định sang Hàn Quốc.
Minh Đường