Tăng trưởng kinh tế ASEAN: Thành tựu và triển vọng
Sau hơn 50 năm thành lập và nhất là sau 15 năm kể từ ngày Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) ra đời, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã có bước tiến ấn tượng trong phát triển kinh tế – xã hội, vươn lên trở thành khu vực dẫn đầu đà tăng trưởng của kinh tế thế giới. Sự phát triển của kinh tế ASEAN được dự báo sẽ càng trở nên sáng sủa hơn, nhất là trong kỷ nguyên của nền kinh tế số.
Những bước nhảy vọt ấn tượng
Năm 2003 AEC chính thức ra đời. Thời điểm đó đó, ASEAN là thị trường của 542 triệu người, với tốc độ tăng trưởng 5,5%, so với tốc độ trung bình trên toàn cầu là 4,2%. Sau 15 năm, ASEAN trở thành một thị trường của 642 triệu người, với tốc độ tăng trưởng kinh tế 5,9%, cao hơn nhiều so với mức tăng 3,8% trên toàn cầu.
ASEAN luôn nỗ lực trong cả hai hình thức hội nhập kinh tế, bao gồm hội nhập kinh tế nội khối và gia tăng hợp tác với các đối tác bên ngoài. (Nguồn: AP)
Thành tựu quan trọng trong câu chuyện tăng trưởng của ASEAN là về sự mở rộng của mạng lưới thương mại, đầu tư và dịch chuyển con người. Nếu như năm 2003, tổng giá trị thương mại hàng hóa của khu vực ASEAN đạt 825 tỷ USD, đầu tư đạt 24 tỷ USD và nguồn thu từ khách du lịch đạt 38 triệu USD thì đến năm 2017, những con số này đều tăng hơn gấp 3 lần, đạt giá trị lần lượt là thương mại 2.600 tỷ USD, đầu tư 137 tỷ USD và du lịch 126 triệu USD.
Lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và xúc tiến thương mại quốc tế cũng là động lực then chốt thúc đẩy sự ra đời của AEC. Vào cuối những năm 1990, các nước ASEAN phải hứng chịu thiệt hại từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á; trong khi đó Trung Quốc nhanh chóng nổi lên trở thành công xưởng lớn của khu vực; Ấn Độ cũng phát triển trở thành một “đầu tàu” trong lĩnh vực dịch vụ, bỏ xa các nước ASEAN. Sự bứt phá ngoạn mục của 2 nền kinh tế lớn Trung Quốc và Ấn Độ đã khiến dòng chảy FDI dần dịch chuyển khỏi Đông Nam Á. Trong bối cảnh đó, 10 quốc gia nhỏ bé ở khu vực Đông Nam Á đã quyết định hội nhập vào nhau để tạo thành một khối kinh tế quy mô lớn và hùng mạnh, từ đó kéo các nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại với khu vực. Đây được xem là một quyết định vô cùng đúng đắn, đúng thời điểm được minh chứng bởi những thành tựu lớn mà ASEAN gặt hái được ngày hôm nay.
Năm 2017, xét trong tổng giá trị thương mại, đầu tư và du lịch của ASEAN, trao đổi hàng hóa nội khối chiếm 23%; dịch vụ nội khối chiếm 17%, đầu tư nội khối chiếm khoảng 20% và du lịch chiếm 37%. Mặc dù những thành tựu đạt được còn khiêm tốn song dự báo tiềm năng tăng trưởng của khu vực là rất lớn, nhất là khi các nước ASEAN thực hiện đẩy mạnh cải cách trong nước và xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng. Đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay, khi chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đang ở giai đoạn cao trào cũng như thời điểm Anh rời khỏi EU (Brexit) đang dần tiệm cận thì các nước ASEAN hoàn toàn có thể trở thành điểm đến thay thế đầy tiềm năng cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Nền kinh tế số sẽ nâng cánh các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ASEAN. (Photo: VNA)
Gia tăng kết nối từ nền kinh tế số
Với mục tiêu hàng đầu là thúc đẩy hội nhập kinh tế sâu hơn, một kỷ nguyên mới đã bắt đầu hiện ra tại khu vực: ASEAN đang chuyển sự tập trung của mình vào nền kinh tế kỹ thuật số.
Chỉ trong năm 2018, các nước ASEAN đã triển khai rất nhiều chương trình đề ra, bao gồm: cơ chế Một cửa ASEAN (ASW), thương mại điện tử và Mạng lưới Thành phố Thông minh ASEAN. Đây không phải là điều đáng ngạc nhiên khi có tới 75% dân số ASEAN, tương đương 480 triệu người đang sử dụng Internet và gần như tất cả người dân đều sử dụng điện thoại di động.
Đón đầu kỷ nguyên của nền kinh tế số, thời gian qua các nước ASEAN luôn chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng cho lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT); tăng thông di động tại hầu hết các nước ASEAN hiện cũng tương đối cao. Do đó các nước ASEAN càng có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển lĩnh vực thương mại điện tử trong khu vực, vốn còn tương đối nhỏ và chỉ tập trung ở những nước ASEAN phát triển.
Đầu năm 2018, 5 nước ASEAN (Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Việt Nam) đã cùng nhau hiện thực hóa cơ chế Một cửa ASEAN; qua đó giúp doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian và chi phí giao dịch; đồng thời tăng cường tính minh bạch trong các quy trình xin cấp phép. Ngoài ra ASEAN còn đẩy mạnh tăng cường năng lực kết nối khu vực thông qua chương trình Mạng lưới Thành phố Thông minh. Chương trình sẽ được áp dụng thử nghiệm tại 26 thành phố ở 10 nước ASEAN. Tại những thành phố này, các giải pháp kỹ thuật số và công nghệ sẽ được ứng dụng để xử lý các vấn đề tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm, năng lượng bền vững, cùng nhiều thách thức khác mà những thành phố hiện đại đang đối mặt do gia tăng đô thị hóa. Điều này cũng sẽ có lợi cho các đối tác kinh tế lớn của ASEAN, khi mà những dự án đầu tư sẽ mở cửa cho tất cả các nhà tài trợ, và kinh nghiệm làm việc trong các lĩnh vực công nghệ, quản trị và phát triển bền vững, sẽ được chia sẽ lẫn nhau.
Giờ đây, ASEAN đang từng bước thực hiện hội nhập kinh tế theo một quy mô toàn diện hơn và đầy tham vọng để tăng cường kết nối thương mại, đầu tư, con người và cơ sở hạ tầng với phần còn lại của thế giới. Nền kinh tế số cũng đang giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ cất cánh, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng trưởng của ASEAN một cách bền vững.
Quang Vinh